Mỹ đã ký lại thỏa thuận liên quan đến chương trình F-35 với 8 quốc gia khác trong đó không có Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là một trong những nhà cung cấp phụ tùng chính cho loại máy bay chiến đấu này.

Washington loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay phản lực F-35 Lightning II vào năm 2019, cho rằng các hệ thống tên lửa phòng không S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga có thể được Moscow sử dụng để bí mật thu thập thông tin chi tiết về máy bay phản lực Lockheed Martin F-35; hơn nữa nó không tương thích với các hệ thống của NATO .

leftcenterrightdel
Mát bay tiêm kích tàng hình F-35 B của Mỹ. Ảnh: BusinessInsider 

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định S-400 sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO và sẽ không gây ra mối đe dọa cho liên minh.

Bất chấp việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và áp đặt các lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp quốc phòng của nước này vào tháng 12/2020, Lầu Năm Góc cho biết, họ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đối với các phụ tùng quan trọng của F-35.

Vào tháng 5/2020, một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ đã cảnh báo, quyết định của Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 có khả năng làm trầm trọng thêm các vấn đề chuỗi cung ứng. Chương trình F-35 trị giá 398 tỷ USD đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả tình trạng thiếu động cơ.

Huy Anh/Dailysabah