Ngày 14/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố kết quả Niên giám SIPRI 2021, đánh giá tình trạng hiện tại của vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế.
Báo cáo của SIPRI cho biết, 9 cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên sở hữu khoảng 13.080 vũ khí hạt nhân ở thời điểm đầu năm 2021, giảm đáng kể so với con số 13.400 vào đầu năm 2020.
|
|
Tuy giảm về số lượng, nhưng số vũ khí hạt nhân được triển khai lại đang tăng. Ảnh: azerbaijan.bpositivenow. |
Mặc dù giảm về tổng thể, nhưng số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai, trong trạng thái sẵn sàng đã tăng lên 3.825, so với con số 3.720 năm ngoái. Khoảng 2.000 trong số này, hầu như thuộc về Nga và Mỹ, trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, số này chưa bao gồm các đầu đạn đã nghỉ hưu đang chờ tháo dỡ. Nếu tính cả số chúng, tổng kho vũ khí hạt nhân thế giới đã tăng từ 9.380 lên 9.620 đơn vị.
|
|
Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga. Ảnh: Dmitry Kostyukov/AFP. |
“Chúng tôi đang chứng kiến các chương trình hiện đại hóa hạt nhân quy mô lớn trên khắp thế giới.”, ông Kristensen nói, lưu ý các quốc gia hạt nhân dường như cũng đang nâng cao “tầm quan trọng mà họ gán cho vũ khí này trong chiến lược quân sự của họ”.
Chiến dịch Quốc tế Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) trong tháng này báo cáo rằng các quốc gia hạt nhân đã tăng chi tiêu cho kho vũ khí của họ từ 1,4 tỷ USD (1,2 tỷ euro) lên 72 tỷ USD vào năm 2020, ngay cả khi đại dịch hoành hành.
|
|
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân tại Căn cứ Không quân Malmstrom, Montana, Mỹ. Ảnh: USAF/ Reuters. |
Trong khi Mỹ và Nga tiếp tục giảm lượng vũ khí hạt nhân tồn kho bằng cách tháo dỡ các đầu đạn đã loại biên vào năm 2020, cả hai ước tính có thêm khoảng 50 đầu đạn hạt nhân vào đầu năm 2021 so với một năm trước đó. Kho hạt nhân quân sự của Nga cũng tăng lên khoảng 180 đầu đạn, chủ yếu thông qua việc triển khai thêm tên lửa đạn đạo (ICBM) trên đất liền và phóng từ biển.
|
|
Nhiều cường quốc đang đẩy mạnh kho vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters. |
"Xu hướng giảm của kho vũ khí hạt nhân trên thế giới kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đang chững lại, đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.", chuyên gia Hans Kristensen của Chương trình Giải trừ, kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân của SIPRI nói.
|
|
Một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Triều Tiên. Ảnh: Ucsusa. |
Việc Nga và Mỹ gia hạn New START vào phút chót vào tháng 2 năm nay là một sự giải tỏa, nhưng triển vọng kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương bổ sung giữa các siêu cường hạt nhân vẫn khá hạn chế, chuyên gia SIPRI đánh giá.
Nga và Mỹ cùng sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân toàn cầu. Cả hai đều có các chương trình quy mô lớn và tốn kém đang được tiến hành để thay thế và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân hiện tại.
|
|
Tên lửa Shaheen-III do Pakistan sản xuất, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong cuộc diễu hành kỉ niệm Quốc khánh Pakistan, 25/3/2021. Ảnh: Anjum Naveed / AP. |
Bảy quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác cũng đang phát triển hoặc mở rộng kho vũ khí hạt nhân bằng việc triển khai các hệ thống vũ khí mới hoặc ít nhất đã công bố ý định làm như vậy.
SIPRI được thành lập năm 1966, là một tổ chức tư vấn độc lập chuyên nghiên cứu về xung đột, vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.