Hôm 1/2, truyền thông Nga dẫn phát biểu của điều phối viên truyền thông chiến lược Nhà Trắng John Kirby trong một cuộc họp báo, nói, Mỹ sẵn sàng khôi phục trở lại việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, sau khi Ankara “giải quyết được những lo ngại” của Washington liên quan đến những hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Giải thích việc Washington đưa Ankara ra khỏi chương trình F-35, ông Kirby cho biết, máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm của Mỹ không tương thích với sự hiện diện của hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

“Không có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi về chương trình F-35 dành cho Thổ Nhĩ Kỳ - điều này không phù hợp với việc họ sử dụng tên lửa S-300 và S-400.”, ông Kirby nói với truyền thông trong cuộc họp báo.

leftcenterrightdel
 Máy bay phản lực tàng hình thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ. Ảnh: usembassy.

Ông Kirby cho biết, các cuộc thảo luận về vấn đề này đang được tiếp tục giữa hai nước.

Trước đó hôm 30/1, phát biểu khi đang ở thăm Ankara, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland, nhắc lại thông điệp của Washington, trong đó bày tỏ sẵn sàng chào đón Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình máy bay chiến đấu F-35 nếu tranh chấp về hệ thống phòng không S-400 mà nước này mua từ Nga được giải quyết.

“Nếu chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề S-400 này, điều mà chúng tôi muốn làm, thì Mỹ sẽ sẵn lòng chào đón Thổ Nhĩ Kỳ trở lại gia đình F-35.”, bà Nuland nói.

leftcenterrightdel
 Nga giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7/2019 tại sân bay quân sự Murted, Ankara. Ảnh: BQP Thổ Nhĩ Kỳ. 

Năm 2017 Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga và đã nhận hàng vào tháng 7/2019.

Đến nay Mỹ nhiều lần yêu cầu nước này từ bỏ các hệ thống phòng không của Nga để chuyển sang sử dụng Patriot nhưng Ankara không đồng ý.

Washington cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa này gây rủi ro cho máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ và phương Tây do khả năng lộ các bí mật công nghệ, trong khi Ankara khẳng định S-400 sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO.

leftcenterrightdel
 Máy bay chiến đấu F-35 của Không quân Mỹ. Ảnh: AP.

Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách loại nước này khỏi chương trình phát triển F-35 với tư cách nhà cung cấp linh kiện, cũng như từ chối chuyển giao 100 máy bay F-35 theo đơn đạt hàng của Ankara.

Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật CAATSA (Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt).

Tháng 5/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ hoàn lại khoản đặt cọc mua F-35, chuyển sang yêu cầu mua 40 chiếc F-16 cùng gần 80 bộ linh kiện, tổng trị giá 23 tỉ USD, phục vụ việc hiện đại hóa phi đội F-16 lối thời của không quân nước này.

Sau một quá trình chờ đợi kéo dài, cuối tháng trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối cùng đã phê duyệt thương vụ F-16, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Nhà Trắng đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ thương vụ này, nhưng một số nhà lập pháp trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã gắn vấn đề với việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, như là một điều kiện.

Văn Phong/Dailysabah, Sputnik