Hôm 16/8, tiết lộ bên lề diễn đàn quốc tế Army-2022, người đứng đầu Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Nga (FSVTS), Dmitry Shugayev, cho biết, một hợp đồng đã được ký kết cho phép chuyển giao lô S-400 thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chi tiết đáng lưu ý, theo ông Shugayev, thỏa thuận cho phép Thổ Nhĩ Kỳ ‘nội địa hóa’ một số thành phần của hệ thống S-400.
Nga chuyển giao lô S-400 thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra giữa lúc Ankara đang nỗ lực thương thảo với Mỹ để mua chiến đấu cơ F-16 phiên bản mới, thương vụ đang tỏ ra trở ngại từ chính việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 từ Nga trước đây. Gần đây nhất, ngày 15/8, một phái đoàn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Mỹ cùng với chủ đề F-16. Trước đó, các bên đã có 3 cuộc đàm phán được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ, vào các thời điểm tháng 12/2021, tháng 2 và tháng 3 năm nay.
|
|
Bệ phóng S-400 của Nga. Ảnh: SEFA KARACAN/ AA/Getty. |
Hôm 16/8, phát biểu trước tin Moscow giao lô S-400 cho Ankara, một quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói, hai bên "không có thỏa thuận mới" về S-400.
“Hợp đồng ban đầu được ký với Nga để mua S-400 đã bao gồm hai đợt. Việc mua đợt hai đã nằm trong kế hoạch ban đầu và trong cùng một hợp đồng. Bởi vậy, chúng tôi không có bất kỳ sự tiến triển thêm nào đáng để thông tin. Quá trình này đang diễn ra và không có thỏa thuận mới.”, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giải thích.
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung mới nhất của Nga, được thiết kế để tiêu diệt máy bay chiến lược và chiến thuật (bao gồm cả máy bay phản lực tàng hình), cũng như có thể tấn công bất kỳ mục tiêu đường không nào khác.
|
|
Lô S-400 đầu tiên được chuyển giao tháng 7/2019. Nguồn: Aljazzera. |
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký một thỏa thuận đầu tiên vào tháng 12/2017 về việc Moscow cung cấp cho Ankara các tổ hợp tên lửa đất đối không S-400 trị giá khoảng 2,5 tỉ USD. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô hàng thứ nhất vào tháng 7/2019 và trở thành quốc gia NATO đầu tiên mua hệ thống phòng không S-400 từ Moscow.
Quyết định của Ankara đã gây ra phản ứng khá gắt từ Mỹ và NATO, cũng như là nguồn cơn tạo ra một mối quan hệ căng thẳng bấy lâu.
Những năm qua, Mỹ kiên định yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ, thay thế các khẩu đội tên lửa của Nga, tuy vậy, Ankara chưa bao giờ nhượng bộ trước áp lực này.
|
|
Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô S-400 đầu tiên từ Nga vào ngày 12/7/2019 tại sân bay Murted, Ankara. Nguồn: BQP Thổ Nhĩ Kỳ. |
Đáp lại, Mỹ đã đơn phương loại đồng minh NATO khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35 với tư cách nhà thầu cung cấp linh kiện. Washington cũng đình chỉ hợp đồng bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hơn 100 chiến đấu cơ F-35.
Washington lập luận rằng S-400 có thể được Nga sử dụng để bí mật thu thập thông tin tuyệt mật về máy bay phản lực F-35, mặt khác chúng không tương thích với các hệ thống của NATO.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, S-400 sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO và sẽ không gây ra mối đe dọa an ninh cho liên minh.
|
|
Một chiếc F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 30/6. Ảnh: Shutterstock. |
Washington sau đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Quốc hội Mỹ cảnh báo, Ankara có thể phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn nếu tiếp tục mua vũ khí từ Nga.
Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Washington bồi hoàn 1,4 tỉ đô la tiền đặt cọc mua F-35; tiếp theo đề xuất Mỹ bán 40 máy bay chiến đấu F-16 mới do Lockheed Martin sản xuất và 79 bộ thiết bị hiện đại hóa phục vụ gói nâng cấp số F-16 lỗi thời hiện có của nước này. Thỏa thuận, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, trị giá 6 tỉ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hơn 200 chiếc F-16, là nhà khai thác F-16 lớn nhất trên thế giới và có kế hoạch loại biên máy bay này vào năm 2035. Gần 100 chiếc trong phi đội đang chờ nâng cấp, bao gồm cải tiến cấu trúc để kéo dài tuổi thọ cho các phiên bản Block 30 và 50s.
|
|
Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhu cầu hiện đại hóa phi đội máy bay F-16 đã lỗi thời của Không quân nước này. Ảnh: Hurriyet. |
Washington cho đến nay vẫn dè dặt về thương vụ này, lưu ý, cần phải thực hiện quy trình bán vũ khí trong đó phải được sự chấp thuận của Quốc hội, nơi từng hơn một lần hối thúc chính quyền gây áp lực, cũng như thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Ankara, chủ yếu về vấn đề mua vũ khí của Nga.
Hồi tháng 7, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật ngân sách quân sự sửa đổi, tạo ra rào cản mới cho kế hoạch bán máy bay chiến đấu F-16 của Nhà Trắng cho Thổ Nhĩ Kỳ, trừ khi Tổng thống Biden xác nhận việc chuyển giao là vì lợi ích quốc gia.
Mặt khác, phải đảm bảo với Quốc hội rằng, trong 120 ngày trước khi chuyển giao, Ankara không "vi phạm chủ quyền của Hy Lạp" một thành viên NATO đang có tranh chấp lãnh thổ với Ankara ở Đông Địa Trung Hải.