Hôm 22/10, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức một cuộc tập trận chung trên không gần bán đảo Triều Tiên, động thái trong bối cảnh ba bên đang nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Theo nguồn tin, cuộc tập trận ba bên diễn ra ở phía nam bán đảo, có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ, cũng như các máy bay chiến đấu khác của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

leftcenterrightdel
 Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ tham gia cuộc tập trận trên không phối hợp với máy bay chiến đấu F-35A của Hàn Quốc ở nam bán đảo Triều Tiên ngày 17/10. Ảnh: KQ Hàn Quốc/Yonhap.

Không quân Mỹ từng tiến hành các cuộc tập trận song phương riêng biệt với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản xung quanh bán đảo Triều Tiên, nhưng đây là lần đầu tiên ba nước tổ chức các cuộc tập trận chung trên không trong khu vực.

“Cuộc tập trận được thiết kế để cụ thể hóa các thỏa thuận quốc phòng được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Nhật- Hàn tại Trại David vào tháng 8 và mở rộng khả năng phản ứng của ba nước trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của Triều Tiên.”, nguồn tin nói, nhấn mạnh, cuộc tập trận thể hiện tình đoàn kết giữa ba nước, đồng thời lưu ý họ có kế hoạch tăng cường hơn nữa hợp tác ba bên dựa trên liên minh vững chắc Hàn Quốc-Mỹ.

leftcenterrightdel
 Máy bay ném bom hạng nặng B-52 có khả năng hạt nhân của Không quân Mỹ trong đội hình tập trận trên không ba bên lần đầu tiên. Nguồn: USAF.

Cuộc tập trận diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo ba nước nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và tổ chức các cuộc tập trận ba bên đa miền, được chỉ định là thường niên, tại hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Trại David vào tháng 8.

Trước đó hồi đầu tháng, Seoul, Washington và Tokyo đã tổ chức một cuộc tập trận ngăn chặn hàng hải ba bên ở vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên, lần đầu tiên sau 7 năm.

Bình Nhưỡng đã phản ứng giận dữ trước các hoạt động hợp tác ba bên dày đặc đang diễn ra. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un coi đây là mối đe dọa hiện hữu nghiêm trọng nhất, khi nước này sửa đổi Hiến pháp vào tháng trước nhằm xác lập vị trí của lực lượng hạt nhân trong chính sách quốc phòng của mình.

Văn Phong/Yonhap