Mỹ không loại trừ khả năng cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, Mỹ không loại trừ khả năng cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16.

“Chúng tôi sẽ không rút lại bất cứ điều gì đang được đưa ra xem xét... Tôi cũng sẽ không vội vã nói trước về bất kỳ gói viện trợ quân sự nào chưa được công bố, hoặc các quyết định của Tổng thống hoặc Bộ trưởng Quốc phòng.”, bà Singh nói với truyền thông khi được hỏi về khả năng gửi máy bay chiến đấu F-16 đến Ukraine.

Phó Phát ngôn viên Lầu Năm Góc lưu ý, máy bay chiến đấu F-16 là một hệ thống vũ khí phức tạp cần thời gian đào tạo.

leftcenterrightdel
  Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Không quân Mỹ. Nguồn: USAF/Matthew Lotz

Trong khi hôm 25/1, khi được hỏi về khả năng cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư cho Kyiv, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby, nói, Mỹ thường xuyên trao đổi với Ukraine về nhu cầu vũ khí của Kyiv. Nhu cầu này sẽ phát triển tùy theo diễn tiến tình hình.

Sau khi các nước phương Tây tuyên bố ý định cung cấp xe tăng chủ lực cho Kyiv, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky bắt đầu đề nghị được cung cấp máy bay và tên lửa.

“Hôm nay tôi đã nói chuyện với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Chúng ta phải dỡ bỏ lệnh hạn chế cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, điều quan trọng là phải mở rộng sự hợp tác của chúng ta về pháo binh, chúng ta phải đạt được việc cung cấp máy bay cho Ukraine.”, tuyên bố đăng trên trang web Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.

leftcenterrightdel
 Xe tăng Leopard 2 phiên bản A6 của Đức. Ảnh: KMW.

Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yuri Sak nói, Kyiv muốn nhận máy bay chiến đấu từ phương Tây.

“Không chỉ riêng F-16, máy bay thế hệ thứ tư là thứ chúng tôi cần. Nếu chúng tôi có được chúng, đây sẽ là lợi thế lớn trên chiến trường.”, ông Yuri Sak nói với Reuters.

Vào 25/1, chính phủ Đức thông báo quyết định chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Quyết định này xuất phát từ sức ép ngày càng lớn từ đại diện các đảng phái trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz.

Đức dự định biên chế cho Ukraine hai tiểu đoàn xe tăng, trong đó giai đoạn một dự định cung cấp một đại đội gồm 14 chiếc Leopard 2 A6, từ kho dự trữ của lực lượng lục quân Đức Bundeswehr.

leftcenterrightdel
 Một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams do Mỹ sản xuất. Nguồn: US Army.

Berlin cũng có kế hoạch sớm tổ chức huấn luyện các quân nhân Ukraine. Ngoài 14 xe tăng khóa huấn luyện kèm theo, gói viện trợ mới của Đức cho Ukraine được cho là bao gồm cả phần hậu cần, đạn dược và bảo dưỡng kỹ thuật.

Cũng trong ngày 25/1, Nhà Trắng đã xác nhận ý định gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. Theo giới chức Mỹ, việc chuyển giao số xe tăng này sẽ mất vài tháng. Ngoài ra, Washington dự định gửi 8 xe phục hồi bọc thép (ARV) M88 cho Kyiv để phục vụ xe tăng.

Như đã tuyên bố tại Nhà Trắng, Mỹ hy vọng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ giúp Kyiv phòng thủ mà còn cho phép nước này giành lại các vùng lãnh thổ đang do Nga chiếm giữ, bao gồm cả Crimea.

Văn Phong/Sputnik