Các nhà khoa học cho biết đang cảnh giác cao độ trước khả năng một vụ phun trào tại núi lửa Mauna Loa, núi lửa lớn nhất thế giới đang hoạt đông, trên đảo lớn Hawaii, bang quần đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Các chuyên gia cho biết đã ghi nhận các chấn động địa chấn gia tăng đột biến gần đây trên đỉnh núi lửa; cảnh báo, sẽ chỉ mất vài giờ để dung nham tràn đến khu dân cư gần lỗ thông hơi trên núi lửa.

Cơ quan phòng vệ dân sự Hawaii đang tổ chức các cuộc tiếp xúc dân cư trên khắp hòn đảo để phổ biến cách ứng phó cho tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. 

leftcenterrightdel
 Mauna Loa, một trong 2 núi lửa trên đảo lớn Hawaii và là núi lửa lớn nhất thế giới đang hoạt động. Nguồn: AP.

Người dân được khuyên nên chuẩn bị một chiếc ba lô với thức ăn và chủ động xác định một điểm sơ tán trong tư thế sẵn sàng rời đi.

Quản trị viên cơ quan Phòng vệ dân sự Hawaii, Talmadge Magno, cảnh báo, các núi lửa chiếm 51% diện tích đất liền của đảo Hawaii, bởi vậy sẽ có một khu vực đáng kể của hòn đảo có khả năng bị ảnh hưởng bởi một vụ phun trào.

Núi Mauna Loa cao 4.169 m so với mực nước biển, lớn hơn nhiều so với ngọn núi lửa Kilauea bên cạnh, từng phun trào năm 2018 và phá hủy 700 ngôi nhà.

Sườn núi Mauna Loa cũng dốc hơn nên trong trường hợp phun trào, dung nham sẽ chảy với tốc độ nhanh.

leftcenterrightdel
 Dung nham từ núi lửa Kilauea, Hawaii  phung trào năm 2018. Nguồn: @janinekrippner.

Trong một vụ phun trào năm 1950, dung nham của Mauna Loa đã di chuyển quãng đường 24 km ra biển chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ.

Đài quan sát núi lửa Hawaii thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ, cho biết, Mauna Loa đã ở trong tình trạng bất ổn cao độ kể từ giữa tháng 9, khi số lượng các cơn địa chấn khu vực đỉnh núi từ 10- 20 cơn đã tăng lên 40 - 50 cơn mỗi ngày.

Các nhà khoa học tin rằng khối lượng lớn magma đã tràn lên hệ thống khoang chứa trên đỉnh Mauna Loa từ dưới bề mặt Trái đất.

Mức cảnh báo hiện tại ở cấp độ khuyến cáo, có nghĩa núi lửa đang có dấu hiệu bất ổn nhưng chưa cho thấy một vụ phun trào chắc chăn có thể xảy ra.

leftcenterrightdel
 Bức ảnh dung nham từ núi lửa Mauna Loa, Hawaii của Images & Volcans được tải lên vào ngày 7/2/2017.  

Nhà nghiên cứu địa chất tại Đài quan sát núi lửa Hawaii, cho biết, tất cả các vụ phun trào của Mauna Loa trong lịch sử đều bắt đầu bằng những dấu hiệu bất ổn từ trên đỉnh miệng núi lửa. 

Núi lửa Mauna Loa đã phun trào 33 lần kể từ năm 1843. Lần cuối cùng phun trào vào năm 1984 khi dung nham chảy xuống sườn phía đông và chỉ dừng lại cách Hilo, thị trấn đông dân nhất của đảo lớn Hawaii 7,2 km.

Trong vụ phun trào kéo dài 23 ngày vào năm 1950, Mauna Loa đã giải phóng 1.000 m3 dung nham mỗi giây. Trong khi núi lửa bên cạnh Kilauea giải phóng 300 m3 mỗi giây vào năm 2018.

Các chuyên gia lưu ý, thời gian diễn ra các cơn địa chấn trước khi xảy ra bất kỳ vụ phun trào nào có thể tính bằng ngày, nhưng cũng có khi kéo dài cả năm trời. Hoạt động địa chấn gia tăng kéo dài tới một năm trước vụ phun trào năm 1975 và một năm rưỡi trước vụ phun trào năm 1984. 

Tuy nhiên, địa chấn cũng có khi giảm dần cường độ và núi lửa Mauna Loa có thể không bùng phát lần này.

Văn Phong/AP