Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Dương nhận CNC là doanh nghiệp bình phong của Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an và bản thân bị cáo là người điều hành. Việc thành lập CNC trên cơ sở trao đổi với Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công an. Mục đích hoạt động của CNC là làm kinh tế để phục vụ cho hoạt động của C50 và quá trình hoạt động dưới sự giám sát của Nguyễn Thanh Hóa.
HĐXX hỏi “C50 và bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đã giúp đỡ công ty của bị cáo như thế nào?”. Bị cáo Dương đáp nhưng không đi vào trọng tâm: “Nhận thức của tôi chỉ là các anh muốn có các hoạt động kinh doanh trên mạng internet để tham gia vào các cộng đồng người sử dụng mạng nắm bắt tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tôi nhận thấy đó là việc làm cần thiết.
Tại phiên xét hỏi, đại điện VKS cũng đã đưa ra một văn bản báo cáo với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, trong đó có nội dung thể hiện CNC có mục tiêu xây dựng một cổng thanh toán lớn nhất trong cộng động game Online, đặc biệt là game bất hợp pháp: “Với nội dung trong công văn này thể hiện công ty của bị cáo dựa vào thế lực của C50 để thâu tóm toàn bộ game bất hợp pháp”, Đại diện VKS khẳng định.
“Tôi cho rằng đại diện viện KSND nói hơi quá, bởi càng nắm được thông tin người sử dụng thì càng phục vụ tốt cho hoat động nghiệp vụ của lực lượng công an”, bị cáo Dương đáp.
Trả lời luật sư, bị cáo Nguyễn Văn Dương cũng thừa nhận, thời điểm thành lập CNC, C50 đã từng có ý định tuyển dụng bị cáo vào ngành công an do lãnh đạo Bộ Công an thời điểm đó có chủ trương.
HĐXX truy “Bị cáo giải thích rõ về việc sử dụng các khoản tiền thu được. Bởi khoản nộp khắc phục của bị cáo là rất ít, trong khi khoản hưởng lợi của bị cáo rất lớn?”. “Bị cáo không nhớ hết được bởi doanh nghiệp của bị cáo có nhiều hoạt động liên quan nghiệp vụ. Chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều cho hoạt động kinh doanh, chi phí cho cán bộ lớn”, bị cáo Dương trả lời. Dù vậy, sau đó bị cáo này cũng thừa nhận đã sử dụng khoảng 20 tỷ đồng trong khoản hưởng lời từ Ripvip để đầu tư ra bên ngoài.
Theo cáo trạng, trong quá trình vận hành đường dây Rikvip/Tip.Club, bị cáo Nguyễn Văn Dương được hưởng lợi bất chính khoản tiền 1.655 tỷ đồng. Theo đó, bị cáo Dương mượn giấy tờ người thân thành lập 4 công ty “ma” để rửa tiền. Ông trùm đường dây đánh bạc đã chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC.
Ngoài ra, bị cáo còn ký hợp đồng khống với các doanh nghiệp “ma” để rút tiền ra. Khi được ăn chia khoản tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc, Dương tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền tổ chức đánh bạc thành tiền sạch.
Ngoài các khoản tiền đã khắc phục, bị cáo Dương đề nghị HĐXX tạo điều kiện để bị cáo thu hồi thêm nhiều khoản nợ do chuyển nhượng cổ phần các doanh nghiệp của bị cáo để tiếp tục khắc phục hậu quả.
Cáo trạng xác định, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Dương đủ yếu tố cấu thành tội phạm Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. Quá trình điều tra, Dương khai về việc được bị cáo Phan Văn Vĩnh và bị cáo Nguyễn Thanh Hóa “chống lưng” tổ chức đánh bạc nên đã tặng quà, chi tiền cho 2 cựu cán bộ này.
Theo lời khai, Dương cho Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000USD, 27 tỷ đồng; 1,75 triệu đô, 1 áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan; tặng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan điều tra đã chứng minh việc Dương cho C50 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD là có thật. Còn việc bị cáo khai cho ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tiền, tài sản thì chưa làm rõ nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau. Xung quanh vấn đề này, tháng 8/2018, VKSND tỉnh Phú Thọ đã đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội Đưa hối lộ.
Nhóm PV