Nội dung ủy nhiệm chi ghi rõ nội dung nộp tiền khắc phục hậu quả thay cho ông Nguyễn Văn Hậu theo cáo trạng của VKSND tối cao.
Như vậy, trước ngày tuyên án Nguyễn Văn Hậu và 40 bị cáo khác dự kiến vào ngày mai (4/7/2025), Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp thêm 768 tỉ đồng thay cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu.
    |
 |
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: Hồng Nguyên |
Trước đó, ngày 27/6, trong phần luận tội các bi cáo tại phiên tòa xét xử “đại án” xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử buộc trách nhiệm dân sự và áp dụng biện pháp tư pháp nhằm thu hồi triệt để tài sản do phạm tội mà có, cũng như khắc phục hậu quả cho Nhà nước.
Hàng nghìn tỉ đồng đã được các bị cáo và người liên quan tự nguyện nộp lại, cho thấy hiệu quả rõ rệt từ sự chủ động của cơ quan công tố trong quá trình điều tra và truy tố vụ án.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn) bị đề nghị buộc bồi thường số tiền thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.164 tỉ đồng, trong đó đã tự nguyện nộp khắc phục hơn 84,1 tỉ đồng.
Viện kiểm sát cũng đề nghị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền mà các bị cáo hưởng lợi bất chính, nhận hối lộ hoặc tự nguyện nộp lại để khắc phục hậu quả.
    |
 |
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên |
Nguyễn Văn Hậu đã tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án, tiền mặt là 84.170.000.000 đồng; Thu giữ hơn 28,4 tỉ đồng giai đoạn điều tra; Phong tỏa 24 tài khoản số dư hơn 247 tỉ đồng và 01 tài khoản tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Vĩnh Phúc có hơn 38 tỉ đồng); 316.800 USD; 501 lượng vàng SJC; Kê biên 1.419 bất động sản;
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu xin tự nguyện sử dụng toàn bộ tài sản trên để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, đồng thời xin gỡ bỏ ngăn chặn giao dịch đối với 196/884 lô đất hiện đang thất lạc sổ đỏ, không bị kê biên nhưng đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ngăn chặn giao dịch để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Viện kiểm sát cũng đề nghị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền mà các bị cáo hưởng lợi bất chính, nhận hối lộ hoặc tự nguyện nộp lại để khắc phục hậu quả, cụ thể:
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan đã nộp hơn 47,9 tỉ đồng, liên quan số tiền nhận hối lộ 25 tỉ đồng và 1 triệu USD; Bị cáo Lê Duy Thành nộp 31,12 tỉ đồng và 830.000 USD, trong khi số tiền nhận hối lộ là 20 tỉ đồng và 1,3 triệu USD; Bị cáo Phạm Hoàng Anh nộp 18 tỉ đồng để khắc phục hậu quả từ số tiền nhận hối lộ 400 triệu đồng và 20.000 USD, cùng khoản lợi bất chính hơn 5 tỉ đồng.
Các bị cáo: Nguyễn Văn Khước, Hoàng Văn Nhiệm, Chu Quốc Hải, Cao Khoa, Lê Viết Chữ, Đặng Văn Minh đều đã nộp lại toàn bộ hoặc vượt số tiền hưởng lợi bất chính.
Nhiều bị cáo khác cũng nộp lại đầy đủ hoặc vượt mức số tiền đã nhận, như: Phạm Văn Vọng, Phùng Quang Hùng,…Ngô Đức Vượng.
Về thiệt hại tổng thể trong vụ án, Viện kiểm sát xác định: Các hành vi “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 660,3 tỉ đồng; Bên cạnh đó, hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước trên 504,5 tỉ đồng.
Do các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là Nguyễn Văn Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn, đã thụ hưởng toàn bộ lợi ích từ các hành vi vi phạm, Viện kiểm sát đề nghị buộc họ bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài chính cho Nhà nước.
Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn) từ 17 đến 18 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; từ 15 đến 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; từ 11 đến 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo Hậu phải chấp hành cho 3 tội là 30 năm tù.
    |
 |
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thứ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Nguyên |
Đề nghị xử phạt các bị cáo: Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thứ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) từ 14 đến 15 năm tù; Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) từ 9 đến 10 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.
Cũng bị đề nghị xử phạt về tội “Nhận hối lộ”, các bị cáo: Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Khước (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi), Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi), Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) cùng bị đề nghị xử phạt từ 7 đến 8 năm tù; Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc) và Chu Quốc Hải (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc) cùng bị đề nghị từ 4 đến 5 năm tù…