Vì số lượng bản cáo trạng lên tới 235 trang nên trong thời gian của buổi chiều, đại diện VKS mới chỉ công bố được 70 trang cáo trạng.

Phát hành game, tổ chức đánh bạc, thu lợi bất chính, rửa tiền

Sau khi kết thúc phần thủ tục, Hội đồng xét xử đã để đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ công bố bản cáo trạng truy tố 92 bị cáo. Theo nội dung cáo trạng, từ 2014, Hoàng Thành Trung đã tìm gặp bị cáo Phan Sào Nam bàn về việc phát triển, kinh doanh hệ thống đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài. Nam đồng ý và nói phải tìm đối tác phát hành vì loại hình game này phải được Bộ TT&TT cấp phép, duyệt nội dung. Phan Sào Nam tìm đến bị cáo Nguyễn Văn Dương, chủ tịch HĐTV Công ty CNC. Qua giới thiệu Nam biết CNC là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát.

Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến. Nguyễn Văn Dương đã đồng ý thống nhất với Phan Sào Nam phát hành và vận hành game đánh bạc. Thỏa thuận tỷ lệ ăn chia doanh thu nếu trên 5 tỉ đồng/tháng thì Công ty CNC hưởng 30%, VTC Online hưởng 70%. Nếu doanh thu trên 5 tỉ đến dưới 15 tỉ đồng thì Công ty CNC hưởng 35%, VTC Online hưởng 65%..

leftcenterrightdel
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên xét xử sơ thẩm 

Thời điểm bị bắt giữ có 54 hình thức đánh bạc như Tài xỉu, Tiến lên miền bắc, Tiến lên Miền Nam… Các đối tượng sử dụng đồng Rik để tham gia đánh bạc trên hệ thống Rikvip.

Nam chỉ đạo các thành viên trong công ty thiết lập hạ tầng máy chủ cho game bài Rikvip/Tip.Club. Bên cạnh đó, Nam còn chỉ đạo đối soát, tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc để phục vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến.

Sau hơn 2 năm vận hành game đánh bạc, hệ thống của Dương - Nam đã xây dựng được 25 đại lý cấp I, hơn 5.800 đại lý cấp II để chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại. Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký, thu lợi bất chính hơn 9.800 tỷ đồng.

Trong đó, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi hơn 1.600 tỷ đồng, Phan Sào Nam hưởng hơn 1.400 tỷ đồng, nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên đang trốn truy nã hưởng lợi 1.500 tỷ đồng.

3 nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone hưởng hơn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm điều hành đường dây đánh bạc còn dành hơn 2.600 tỷ đồng được dành trả thưởng cho các con bạc.

Để hợp thức hóa hàng ngàn tỉ đồng do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã dùng nhiều cách rửa tiền khác nhau. Trong đó, Nguyễn Văn Dương rửa hơn 329 tỉ đồng thông qua việc nộp vào Công ty UDIC để chuyển vào Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn. Bị cáo Dương ngoài là chủ tịch HĐQT Công ty CNC còn là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC (Công ty UDIC).

Để đủ điều kiện về năng lực tài chính tham gia dự thầu Dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, ngày 19-1-2015, Nguyễn Văn Dương đã họp HĐQT và thống nhất ra nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 36 tỉ lên 500 tỉ đồng, trong đó Dương cam kết góp 85,5% vốn điều lệ.

 Năm 2016, Dương tiếp tục chủ trì 2 cuộc họp Hội đồng cổ đông để nâng vốn điều lệ Công ty UDIC từ 500 tỉ lên hơn 925 tỉ đồng. Trong đó, cơ quan chức năng xác định sau khi có tiền thu lời bất chính do vận hành game bài Rikvip giai đoạn một, Nguyễn Văn Dương đã 2 lần sử dụng tổng số tiền 54 tỉ đồng để quay vòng, nâng khống vốn cam kết góp vào Công ty UDIC theo điều lệ hơn 893 tỉ đồng. 

Thời điểm 12-4-2016, Dương đã có số tài sản trị giá hơn 893 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy mà do Dương đã sử dụng số tiền do tổ chức đánh bạc có được sau này để hoàn trả vào số tiền đã khai khống trước đó. Cụ thể, Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty UDIC rồi mượn tên người khác mở doanh nghiệp rồi ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC.

Đến khi được ăn chia nguồn tiền do phạm tội mà có, Dương tiếp tục chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà và nhân viên cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân, đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có thành tiền sạch.

Cơ quan chức năng xác định, có đủ căn cứ quy kết Nguyễn Văn Dương phạm tội rửa tiền với số tiền hơn 329 tỉ đồng nộp vào Công ty UDIC để chuyển vào Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.

Trong đó, Nguyễn Văn Dương nộp 5 lần số tiền hơn 23 tỉ đồng, còn lại hơn 306 tỉ đồng được lấy trong tổng số tiền hơn 474 tỉ đồng do anh ta chỉ đạo nhân viên dưới quyền đem nộp tiền mặt vào Công ty UDIC dưới danh nghĩa hoàn tạm ứng cho Dương, các công ty, cá nhân ký hợp đồng khác trả lại tiền vì thanh lý hợp đồng.

Đối với Phan Sào Nam, Nam thu lời bất chính số tiền hơn 1.475 tỉ đồng. Sau khi có tiền thu lời bất chính, Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có. Trong đó, Nam đưa cho Phan Thu Hương (dì ruột) hơn 236 tỉ đồng để gửi tiết kiệm và kinh doanh mua nhà.

Ngoài ra, Nam còn chuyển tiền vào 4 công ty khác để góp vốn, đầu tư. Bên cạnh đó, Nam còn chuyển tiền ra các tài khoản tại ngân hàng ở Singapore.

Vai trò của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa

Cũng theo cáo trạng, khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Phan Văn Vĩnh đã có hành vi lợi dụng Bộ Công an cho phép thành lập công ty bình phong thuộc C50 để biến Công ty CNC thành công ty bình phong.  Ông Vĩnh đồng tình với đề nghị của ông Nguyễn Thanh Hóa, ký ban hành quyết định Công ty CNC là công ty bình phong khi chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3. Điều này trái với quy trình theo Quyết định 450 của Bộ Công an.

Ngày 10-10-2011, ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với Dương. Theo nội dung bản ghi nhớ này, lợi nhuận kinh doanh thu được sau khi trừ các chi phí sẽ “ăn chia” theo tỉ lệ: Công ty CNC được 80%, C50 được 20%.

Theo biên bản ghi nhớ, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã ký văn bản đề nghị Bộ TT&TT tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Công ty CNC, chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an cho Công ty CNC tiếp tục tổ chức vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.Club.

leftcenterrightdel
Cáo trạng được công bố tại phiên Tòa sơ thẩm 

Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành game bài Rikvip.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo nhưng ông Phan Văn Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Ông Vĩnh còn báo cáo không đúng sự thật và cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc mà còn chỉ đạo cấp dưới ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của Công ty CNC.

Bên cạnh đó, ông Vĩnh và ông Hóa còn đồng ý cho Dương sử dụng trụ sở do Tổng cục Cảnh sát quản lý tại số 10 Hồ Giám làm nơi hoạt động của Công ty CNC. Việc làm này đã tạo ra rào cản đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương và đồng phạm.

Theo cáo trạng, xét về bản chất thì hành vi của hai người này có dấu hiệu “bảo kê” nhận hối lộ, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực. Song quá trình điều tra, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xác định họ hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xem xét xử lý hành vi của ông Hóa mới dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cáo trạng cũng đề cập nội dung, sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Dương khai đã cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, gần 2 triệu USD cùng nhiều đồ vật giá trị. Dương cũng khai đưa cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Vĩnh và ông Hóa đều phủ nhận lời khai trên. Do chưa có căn cứ chứng minh ông Vĩnh và ông Hóa hưởng lợi cá­ nhân nên hành vi nhận hối lộ sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.

Đúng 17h, chủ tọa tuyên bố phiên tòa kết thúc ngày làm việc thứ nhất. Ngày mai (13-11) đại diện VKS tiếp tục công bố cáo trạng và dự kiến sẽ xét hỏi nhóm các bị cáo là các đại lý cấp 1 trong đường dây đánh bạc.

 Theo cáo trạng, số tiền giao dịch liên quan đường dây đánh bạc là 9.500 tỷ đồng. Lợi nhuận được phân chia: Dùng để trả thưởng cho người đánh bạc: 2.600 tỷ đồng; Các doanh nghiệp viễn thông được chia 1.400 tỷ đồng; Phan Sào Nam gửi ngân hàng quốc tế tại Singapore 3,5 triệu USD; nhà nước thu giữ  1.200 tỷ đồng. Số tiền còn lại hiện các bị can trốn nã đang giữ.

Nhóm PV