Có Viện kiểm sát nêu câu hỏi: “Chưa có quy định về việc giải quyết đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo của công dân đã có văn bản giải quyết có hiệu lực pháp luật nhưng công dân không đồng ý vẫn tiếp tục đến trụ sở tiếp công dân yêu cầu giải quyết”.

Về nội dung này, VKSND tối cao (Vụ 12) cho rằng, đối với đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, kiểm sát việc giải quyết của ngành Kiểm sát thì hướng dẫn người đó đến đúng cơ quan có thẩm quyền nộp đơn. Đối với đơn thuộc thẩm quyền của ngành Kiểm sát thì thực hiện theo Quy trình tiếp công dân của Ngành.

Khiếu nại Cáo trạng cho rằng Kiểm sát viên làm sai lệch hồ sơ để giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bị can thì giải quyết thế nào? Hướng dẫn cụ thể?”

Đối với câu hỏi trên, theo trả lời của VKSND tối cao (Vụ 12), theo quy định tại khoản 2 Điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì việc khiếu nại Cáo trạng không được giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại quy định tại Chương XXXIII BLTTHS. Đối với trường hợp trên, người khiếu nại cho rằng Kiểm sát viên làm sai lệch hồ sơ để giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bị cáo là thuộc trường hợp đơn có nội dung tố cáo vì cho rằng Kiểm sát viên vi phạm điều cấm. Do đó, khi nhận được đơn, người được phân công cần nghiên cứu kỹ chứng cứ mà người khiếu nại đưa ra để xem xét có thụ lý hay không thụ lý theo quy định của pháp luật.

Cũng có đơn vị nêu câu hỏi: “Người bị tố cáo là Thẩm phán đang giải quyết vụ án dân sự nhưng là Phó Chánh án cấp huyện thì thẩm quyền thuộc Chánh án cấp tỉnh hay Chánh án cấp huyện giải quyết?.”

leftcenterrightdel
 Cán bộ, công chức Phòng 12, VKSND TP Hà Nội tiếp công dân. (Ảnh minh hoạ)

Theo trả lời của VKSND tối cao (Vụ 12): Điều 512 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “1...Trường hợp người bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.”

Quy định trên xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo theo chức danh tố tụng của người bị tố cáo trong hoạt động tố tụng dân sự, chứ không xác định theo nhiệm vụ cụ thể của người tiến hành tố tụng đang thực hiện. Do vậy, tố cáo hành vi của Phó Chánh án cấp huyện đang giải quyết vụ án dân sự cụ thể vẫn thuộc thẩm quyền của Chánh án cấp tỉnh giải quyết.

Có Viện kiểm sát nêu câu hỏi đề nghị hướng dẫn xử lý đối với đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát, công dân đã gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết mặc dù qua tiếp công dân đã được giải thích và hướng dẫn nhưng công dân vẫn mong muốn Viện kiểm sát tiếp nhận đơn.

Nội dung này, VKSND tối cao (Vụ 12) cho rằng, tại khoản 2 Điều 29 Quy trình 249 hướng dẫn xử lý loại đơn này như xử lý đơn khiếu nại quy định tại khoản 3 Điều 14 Quy trình 249 đó là nhận, chuyển và thông báo cho người gửi đơn biết.

Một câu hỏi khác có nội dung: “Đơn yêu cầu thay đổi Thẩm phán cho rằng không khách quan, vô tư trong quá trình giải quyết vụ án có phải đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp không? Viện kiểm sát có thực hiện kiểm sát không?”

Theo VKSND tối cao (Vụ 12): Người tham gia tố tụng có quyền đề nghị thay đổi Thẩm phán, Chánh án tòa án nơi đang thụ lý vụ, việc có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Nếu người tham gia tố tụng không đồng ý trả lời của Chánh án thì có quyền khiếu nại. Đơn khiếu nại này, được giải quyết theo quy định về khiếu nại, tố cáo của luật tố tụng chuyên ngành. Như vậy, đơn yêu cầu thay đổi Thẩm phán là đơn đề nghị nhưng vẫn thuộc đơn trong hoạt động tư pháp nên Viện kiểm sát phải kiểm sát loại đơn này theo quy định của luật tương ứng.

Ngoài ra, có Viện kiểm sát nêu câu hỏi: “Đơn yêu cầu sớm đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử hoặc khiếu nại chậm đưa ra xét xử có được coi là khiếu nại trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính không? đề nghị hướng dẫn?”.

Nội dung trên, VKSND tối cao (Vụ 12) trả lời cho rằng, việc thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự, hành chính thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo thời hạn quy định của pháp luật. Đơn yêu cầu sớm đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử là đơn đề nghị theo nguyện vọng của cá nhân, tổ chức là người tham gia tố tụng. Đơn đề nghị có nội dung phản ánh vi phạm thời hạn tố tụng thì được coi là đơn khiếu nại.

Cũng có Viện kiểm sát địa phương đề nghị VKSND tối cao hướng dẫn xử lý đối với đơn tố cáo có nhiều nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan tư pháp nhưng không có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát. Nội dung này, VKSND tối cao (Vụ 12) cho rằng, cần hướng dẫn người dân viết tách nội dung tố cáo để gửi đến từng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Xem toàn bộ nội dung hướng dẫn, giải đáp của VKSND tối cao (Vụ 12) tại đâygiai-dap.pdf

P.V