Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tại điểm cầu Hà Nội và chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan nội chính ở Trung ương.

Tại Hội nghị, Ban cán sự đảng VKSND tối cao có tham luận với chủ đề “Viện kiểm sát nhân dân trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực tư pháp”, do đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trình bày. Báo Bảo vệ pháp luật trân trọng giới thiệu nội dung chính bản tham luận của Ban cán sự đảng VKSND tối cao:

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị. (Ảnh: PV)

“Ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kết thúc rất tốt đẹp, Ban cán sự đảng và Đảng bộ VKSND các cấp đã tổ chức quán triệt, học tập, triển khai và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII trong toàn Ngành. VKSND tối cao đã tích cực tham gia xây dựng các đề án do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội chủ trì nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược cải cách tư pháp”. Một trong những vấn đề cốt lõi của Chiến lược này là cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và quyền lực tư pháp nói riêng.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trình bày tham luận. (Ảnh: Việt Tâm)

VKSND được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1960, trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của VKSND mang một sứ mệnh đặc biệt, đó là không chỉ thực hành quyền công tố Nhà nước mà còn kiểm sát việc tuân theo pháp luạt của các chủ thể, bảo đảm pháp chế thống nhất. Hiện nay, với chức năng nhiệm vụ được phân công theo quy định của Hiến pháp và pháp luật là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. VKSND là một trong các thiết chế có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực tư pháp.

Với trách nhiệm là cơ quan duy nhất giữ quyền công tố nhà nước, nhiệm vụ quan trọng nhất mà ngành Kiểm sát xác định đó là phải bảo đảm chống oan, chống lọt tội phạm, người phạm tội. Đây cũng là nhiệm vụ rất nặng nề mà Đảng, Quốc hội và Nhân dân yêu cầu đối với các cơ quan tư pháp, cụ thể là các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử. Do đó, nếu làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần xây dựng lòng tin của nhân dân, xã hội đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong bảo vệ công lý công bằng xã hội, để chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm mà trước hết là chống làm oan người vô tội, cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong thực hành quyền công tố; quy định giới hạn truy tố; cần nghiên cứu việc chuyển từ cơ chế “truy tố bắt buộc” sang cơ chế “truy tố có điều kiện; cần xem xét, đánh giá, cân nhắc thận trọng các lợi ích (trước hết là vì lợi ích công) để quyết định việc truy tố hay không truy tố. Ví dụ: Phải xem xét, cân nhắc hành vi đó có nguy hiểm, nhưng phải là nguy hiểm có đáng kể cho xã hội, cho lợi ích công thì mới phải truy tố?; quá trình điều tra cần phân loại xử lý và thực hiện việc miễn trách nhiệm hình sự đối với những người chỉ tham gia với vai trò đồng phạm thứ yếu, đã tự giác khai báo, hợp tác, tích cực nộp lại tài sản; đồng thời, phải kiên quyết truy tố đối với người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, không nộp lại tài sản… cần xử lý nghiêm để răn đe giáo dục chung, đồng thời cũng xử lý nhân văn, có lý, có tình đối với những người khai nhận tốt, khắc phục tốt.

Đây cũng là vấn đề hết sức quan trọng để tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế hoặc ngược lại, góp phần tạo hành lang pháp lý cho sự đổi mới, sáng tạo và phát triển. Tuy nhiên, cũng cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, có cơ chế giám sát việc “truy tố có điều kiện” đối với các cơ quan tố tụng nói chung và đối với VKSND nói riêng để không được lạm dụng việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bỏ lọt người phạm tội.

Kiểm soát quyền lực tư pháp, dưới góc độ ngành Kiểm sát chúng tôi cho rằng: phải tiếp tục tăng cường trách nhiệm, thực hiện hiệu quả chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp cũng như điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, đó chính là thực hiện sự ủy thác của Quốc hội cho ngành Kiểm sát để kiểm soát quyền lực tư pháp; trong đó phải tập trung kiểm sát chặt chẽ đối với việc thực hiện các thủ tục tố tụng tư pháp để bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bởi lẽ, các thủ tục tố tụng kéo dài là sự bất công và lãng phí các nguồn lực, kể cả nguồn lực con người và nguồn lực tài chính; thời gian là nguồn lực vô giá nếu chúng ta biết tiết kiệm. Các vụ án, vụ việc tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, phá sản... cần phải được giám sát chặt chẽ về thời hạn để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng thời hạn luật định; bảo đảm càng nhanh thì càng hiệu quả; nền tư pháp hiệu quả cũng là chủ trương của nền tư pháp hiện đại, nhưng quan trọng nhất là được Nhân dân tin tưởng, xã hội đồng tình ủng hộ. Ngành Kiểm sát đã xây dựng các bộ chỉ tiêu và giao nhiệm vụ cho VKS các cấp phải kiên quyết có kiến nghị, kháng nghị đối với bất cứ sự chậm trễ nào về thủ tục, kéo dài việc giải quyết từ khi thụ lý cho đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và nhất là trong giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế. Đồng thời chúng tôi cũng đang tập trung nguồn lực và nâng cao năng lực Cơ quan điều tra của VKSND tối cao để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp góp phần làm trong sạch bộ máy của các cơ quan tư pháp, tức là thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực như lời chỉ đạo của Tổng Bí thư vừa qua.

Kiểm soát quyền lực tư pháp phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đồng thời có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp (Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án) nhằm thực hiện hiệu quả quyền năng luật định và đáp ứng các nhiệm vụ, mục tiêu chung, tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Thực tiễn cho thấy trong nhiều vụ án, vụ việc, ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động phối hợp dưới nhiều cấp độ, nhiều hình thức để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Khi có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau đã kịp thời báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền để đi đến thống nhất trong đường lối xử lý.

Chúng tôi nhận thức rằng: Việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực tư pháp bản chất là nhằm xây dựng một nền tư pháp mạnh, đấu tranh và phòng ngừa hiệu quả các tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và bảo đảm kiểm soát quyền lực tư pháp với hai vấn đề mấu chốt quan trọng là: Giới hạn quyền truy tố và Kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các thủ tục tố tụng, điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà ngành Kiểm sát đang nghiên cứu một cách căn cơ, có hệ thống cả về mặt lý luận và thực tiễn, từ kết quả nghiên cứu sẽ đề xuất với Đảng, Nhà nước. Về vấn đề này, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự giám sát của hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cơ quan nội chính, trước hết là các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ban cán sự đảng VKSND tối cao tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao và dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự hỗ trợ, ủng hộ của các ngành, các cấp, ngành Kiểm sát sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới”./.

Nguyễn Huy Tiến – Bí thư Đảng uỷ,
Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao