Tại điểm cầu Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan nội chính ở Trung ương.

Các cơ quan nội chính nỗ lực, quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, nổi bật

Đây là lần đầu tiên, Hội nghị toàn quốc của tất cả các cơ quan nội chính được tổ chức và diễn ra ngay sau khi Quốc hội tiến hành Kỳ họp lần thứ nhất, khóa XV rất thành công; Chính phủ khóa mới tổ chức phiên họp đầu tiên với quyết tâm mới rất cao; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

leftcenterrightdel
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: PV

Các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực nội chính, bao gồm: Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Quân đội, Ủy ban kiểm tra Đảng, Ban nội chính Đảng. Một số cơ quan, tổ chức hoạt động liên quan đến lĩnh vực nội chính hoặc có một số hoạt động thuộc lĩnh vực nội chính như: Tổ chức Luật gia, luật sư, cơ quan hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường...

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính Trung ương Phan Đình Trạc trình bày Báo cáo tóm tắt “Tình hình, kết quả công tác nội chính nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cơ quan nội chính đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, nổi bật. Trong đó, các cơ quan nội chính đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

leftcenterrightdel
  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị.

Các cơ quan nội chính đã nghiên cứu, tham mưu ban hành nhiều chiến lược, chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, thanh tra, kiểm toán, quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp... góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng và bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống; khắc phục dần tình trạng nghị quyết thì đúng, nhưng thực hiện không nghiêm hoặc kém hiệu quả. Coi trọng việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về lĩnh vực nội chính, xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp mới, nhất là về quân sự, quốc phòng, an ninh, trật tự, phòng, chống tham nhũng, xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…

Hội nghị đã tiến hành phần thảo luận giữa các đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường Bộ Quốc phòng Hà Nội và tham luận của các địa phương tại các điểm cầu tham dự trực tuyến.

Các cơ quan nội chính là “thanh bảo kiếm" sắc bén và “lá chắn" vững chắc

Tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó, đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của các cơ quan nội chính trong hệ thống chính trị. Đây là những cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Các cơ quan nội chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là “thanh bảo kiếm" sắc bén và “lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày Báo cáo tại Hội nghị.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của các cơ quan nội chính trong nhiệm kỳ XII của Đảng, về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan nội chính tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:

Các cơ quan nội chính phải luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện dùng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải “đúng vai thuộc bài”; chủ động dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình, nhận định rõ các nguy cơ để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các giải pháp bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự.

Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước, tăng cường quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan nội chính với các cấp, các ngành, bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả. Trong thực thi nhiệm vụ phải công tâm, khách quan, tuân thủ pháp luật, có dũng khí, có bản lĩnh, động cơ trong sáng, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tập trung xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm các cơ quan nội chính, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với những vi phạm, bất kể người đó là ai; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực,

Đặc biệt phải tôn trọng, gắn bó mật thiết với nhân dân, học hỏi nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết yêu cầu công việc.

leftcenterrightdel

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương đến 138 điểm cầu ở các địa phương với hơn 4.600 đại biểu tham dự.

Tổng Bí thư chỉ rõ, Quân đội của chúng ta là Quân đội nhân dân, Công an là Công an nhân dân, Viện kiểm sát là Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án là Tòa án nhân dân, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ... có nghĩa là chúng ta đều là công bộc, là đầy tớ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân và phục vụ.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính luôn cảnh giác, tỉnh táo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống, phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng: bản thân phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào; thực sự công tâm, khách quan “phụng công thủ pháp”, chí công vô tư; phải là những “bao công” trong thời đại mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan nội chính sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng của các cơ quan nội chính

Một là, chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính.

Hai là, phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò chủ công, nòng cốt, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Năm là, xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường hợp tác quốc tế về công tác nội chính.

(Trích Báo cáo “Tình hình, kết quả công tác nội chính nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.


 

Hà Nhân