Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 24/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (Luật số 63/2014/QH13) và ngày 28/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 953/NQ-UBTVQH13 thành lập 3 Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, có hiệu lực từ ngày 01/6/2015.
Là cấp thứ hai trong hệ thống VKSND, các VKSND cấp cao chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt của VKSND tối cao, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng - Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân (năm 2020) cho VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: vcc3 |
Theo quy định của pháp luật, VKSND cấp cao có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; Kiểm sát xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; Kiểm sát xét xử các vụ án hành chính theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; Kiểm sát xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản doanh nghiệp và các vụ việc khác theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; Kiểm sát các bản án, quyết định của TAND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện trong giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật; Thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết khiếu nại đối với hoạt động nghiệp vụ của cấp dưới; Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh về hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản…
Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện về hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại, phá sản…; Kiến nghị các vi phạm trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tố tụng và vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước.
Với các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, có thể thấy, phạm vi hoạt động của các VKSND cấp cao là rất rộng lớn cả về lĩnh vực và lãnh thổ, bao gồm các loại án mà TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện giải quyết, trải qua các trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trong thủ tục phúc phẩm, VKSND cấp cao thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, kiểm sát xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản do TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Đồng thời thực hiện thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực của TAND cấp tỉnh. Thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm là thẩm quyền chỉ riêng VKSND mới có do luật định.
Điểm nổi bật, mang tính đột phá trong cải cách tư pháp đó là chuyển giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho các TAND cấp cao, VKSND cấp cao. Trước đây thẩm quyền này thuộc cấp tỉnh và tối cao, nay chuyển cho cấp cao, ở tối cao chỉ giữ lại thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao còn các Tòa chuyên trách thuộc TAND tối cao đều không còn thẩm quyền này.
Chiến lược cải cách tư pháp cũng xác định xét xử là trung tâm của tố tụng nên chất lượng xét xử quyết định chất lượng cả quá trình tố tụng. VKSND cấp cao với thẩm quyền của mình có trách nhiệm bảo đảm cho hoạt động xét xử của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện tuân thủ quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, khi phát hiện có dấu hiệu bị kết án oan hoặc bỏ lọt tội phạm VKSND cấp cao thực hiện thẩm quyền kháng nghị để hủy bỏ bản án; khi phát hiện bản án, quyết định giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân VKSND cấp cao có quyền kháng nghị yêu cầu sửa hoặc hủy bỏ để giải quyết lại.
Bên cạnh đó, VKSND cấp cao còn thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác xét xử của các VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện. Qua đó nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử trong toàn Ngành. Có thể nói, với nhiệm vụ, quyền hạn do Luật định, VKSND cấp cao giữ vai trò quan trọng đối với hoạt động xét xử và hoạt động thực hiện chức năng, nhiện vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Sau hơn 6 năm được thành lập, mặc dù thiếu hụt về biên chế, khó khăn về nơi làm việc, phương tiện, trang thiết bị nhưng các VKSND cấp cao đã thể hiện được vị trí, vai trò của mình thông qua kết quả công tác rất ấn tượng. Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm 13.940 vụ án hình sự, trong đó có tất cả các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cấp ủy các địa phương chỉ đạo đã xét xử sơ thẩm (vụ Dương Chí Dũng, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Đinh La Thăng, vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ AVG…). Kiểm sát xét xử phúc thẩm 6.179 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, 7.528 vụ án hành chính, 1.156 vụ án kinh doanh, thương mại, lao động. Kiểm sát việc giám đốc thẩm, tái thẩm 1.384 vụ án hình sự, 3.407 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, 313 vụ án hành chính, 685 vụ án kinh doanh, thương mại, lao động.
Tại các phiên xét xử, các Kiểm sát viên của VKSND cấp cao đều đã thể hiện bản lĩnh, năng lực tranh tụng bảo vệ thành công quan điểm của VKSND, trong đó có nhiều kháng nghị của VKSND hai cấp. Khó khăn lớn nhất mà các VKSND cấp cao gặp phải nhưng đã vượt qua đó là việc xét xử phúc thẩm các loại án không tổ chức phiên tòa tại trụ sở TAND cấp cao mà tổ chức tại các địa phương đã xét xử sơ thẩm để thuận lợi cho địa phương, cho bị cáo, cho đương sự. Mỗi đợt đi xét xử tại địa phương thường kéo dài 1 đến 2 tuần, xét xử 30 - 40 vụ án các loại nhưng chỉ có thể phân công 1 Kiểm sát viên do thiếu Kiểm sát viên và cũng là để tiết kiệm kinh phí.
Các VKSND cấp cao đã kiểm sát 196.432 bản án, quyết định của Tòa án. Qua kiểm sát đã ban hành 702 kháng nghị phúc thẩm, 92 kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị VKSND tối cao kháng nghị đối với 693 vụ án. Ngoài ra còn ban hành nhiều kiến nghị đối với các vi phạm không nghiêm trọng.
Các VKSND cấp cao đã thụ lý 49.712 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đã giải quyết 46,576 đơn, đạt tỉ lệ 93,69%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 33,69%. Có thể nói, các VKSND cấp cao đã rất nỗ lực trong giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Sau khi được thành lập, gần 20.000 đơn tồn tại VKSND tối cao được chuyển về cho 3 VKSND cấp cao giải quyết. Sau 2 năm nỗ lực, các VKSND cấp cao đã giải quyết cơ bản số đơn do VKSND tối cao chuyển về. Từ năm 2018 đến nay, tỉ lệ giải quyết đơn của các VKSND cấp cao đều đạt và vượt chỉ tiêu do Quốc hội giao, tình trạng đơn tồn đọng cơ bản được giải quyết.
Thông qua các hoạt động kiểm sát đã ban hành 702 kháng nghị phúc thẩm, 2.489 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận là 74,80%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 4,8%; tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được chấp nhận đạt 79,57%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 4,57%. Đã ban hành 665 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng, 1.018 thông báo rút kinh nghiệm về các vụ án bị hủy, sửa do có vi phạm. Đã tổng hợp vi phạm xây dựng chuyên đề tổ chức 12 hội nghị rút kinh nghiệm về án hủy, sửa; 3 hội nghị chuyên đề về kinh nghiệm kiểm sát án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai có sự tham gia của UBND các địa phương…
Thực tiễn cho thấy, chất lượng công tác xét xử, kiểm sát xét xử ngày càng nâng lên là có đóng góp quan trọng của các VKSND cấp cao. Các kháng nghị, kiến nghị của VKSND cấp cao vừa là để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân vừa có ý nghĩa ngăn chặn và phòng ngừa sự tùy tiện trong hoạt động xét xử, góp phần kiểm soát quyền lực tư pháp. Với địa vị pháp lý độc lập không lệ thuộc chính quyền địa phương, các VKSND cấp cao đã góp phần bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử được khách quan, chính xác.
Qua 5 năm hoạt động, các VKSND cấp cao đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả chung của toàn Ngành, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao. Những đóng góp đó được ghi nhận bằng kết quả thi đua hằng năm, các VKSND cấp cao đều được khen thưởng Cờ thi đua Ngành và Cờ thi đua Chính phủ. Đó cũng là sự khẳng định vai trò quan trọng của các VKSND cấp cao trong tiến trình cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân.