Điều 2 của Quy chế 51 ngày 2/2/2016 của Viện trưởng VKSNDTC quy định: Đơn thuộc thẩm quyền bao gồm: đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát. Trong đó:

– Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết là khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh, đề nghị, yêu cầu mà theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết.

– Đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết là khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác, nhưng theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Phân loại đơn tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát 

Tuy nhiên thực tiễn công tác cho thấy, việc phân loại đơn thuộc thẩm quyền chưa chính xác dẫn đến công tác kiểm sát đơn trong hoạt động tư pháp đạt hiệu quả chưa cao. Đôi lúc còn nhầm lẫn hoặc chưa phân biệt được đâu là đơn thuộc trách nhiệm giải quyết và đâu là đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết.

Đối với đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì đã được quy định khá rõ, và cũng dễ dàng nhận diện được như sau:

Một là, trong lĩnh vực tố tụng hình sự, thẩm quyền giải quyết đơn được quy định rất cụ thể đó là:

– Khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan điều tra do Viện trưởng VKS cùng cấp giải quyết (Quy định tại Điều 329 BLTTHS 2003)

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra do VKS cấp có thẩm quyền truy tố giải quyết (Quy định tại Điều 332 BLTTHS)

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Phó viện trưởng VKS hoặc Kiểm sát viên do Viện trưởng VKS cùng cấp giải quyết (Quy định tại Điều 330 BLTTHS)

Hai là, trong lĩnh vực tố tụng dân sự cũng được quy định như sau:

– Khiếu nại các hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên do viện trưởng VKS cùng cấp giải quyết (Quy định tại Điều 504 BLTTDS)

Ba là, trong lĩnh vực tố tụng hành chính, thẩm quyền giải quyết đơn được quy định trong Luật tố tụng hành chính là:

– Khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của Phó viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên do Viện trưởng VKS cùng cấp giải quyết (Quy định tại Điều 332 Luật tố tụng hành chính)

Bốn là, trong lĩnh vực thi hành án hình sự, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được quy định cụ thể như:

– Các khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự như khiếu nại việc tổ chức giam giữ phạm nhân không đúng quy định, liên quan đến kỷ luật lao động, liên quan đến việc giải quyết trường hợp phạm nhân chết … do Viện trưởng VKS cấp tỉnh giải quyết (Quy định tại Điều 152, 168 Luật THAHS)

– Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động kiểm sát thi hành án hình sự như Khiếu nại Quyết định tạm đình chỉ THA phạt tù của VKS, hành vi của KSV trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam thi hành án hình sự, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân … do Viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp giải quyết (Quy định tại Điều 9 Luật TCVKSND, Điều 168 Luật THAHS)

Còn việc phân loại đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết được đặt ra như thế nào, trước hết cần xác định đối tượng và phạm vi kiểm sát. Theo đó, Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các cơ quan tư pháp. Vì vậy, xác định chính xác những khiếu nại, tố cáo về tư pháp nào thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tư pháp là yếu tố then chốt để phân loại đơn và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp có hiệu quả hơn. Những quy định được cụ thể hóa trong luật như sau:

Trong lĩnh vực tố tụng hình sự

– Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra (Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết theo Điều 329 BLTTHS) gồm:

+ Khiếu nại quyết định tố tụng do Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ký. Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại Quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố; Quyết định tạm đình chỉ điều tra VAHS; Quyết định phục hồi điều tra, …

+ Khiếu nại các lệnh do Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ký. Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại Lệnh bắt khẩn cấp; Lệnh kê biên tài sản, …

+ Khiếu nại quyết định do Điều tra viên ký. Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại Quyết định áp giải bị can; Quyết định dẫn giải người làm chứng.

+ Khiếu nại các hành vi tố tụng của Phó thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc của ĐTV. Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; Lấy lời khai người làm chứng không đúng quy định; Kê biên tài sản không đúng quy định; Thực nghiệm hiện trường không đúng quy định; …

+ Tố cáo các hành vi vi pham pháp luật của Phó thủ trưởng CSĐT, ĐTV hoặc Thủ trưởng CSĐT cấp dưới trong quá trình tiến hành tố tụng do Thủ trưởng CQĐT giải quyết (Điều 337 BLTTHS).

– Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm:

+ Khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của Phó chánh án, Thẩm phán, Thư ký tòa án do Chánh án TA cùng cấp giải quyết . Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Khiếu nại về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, …

+Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó chánh án , Thẩm phán, Thư ký tòa án do Chánh án TA cùng cấp giải quyết.

+ Khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án do Chánh án TA cấp trên giải quyết. Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại Quyết định gia hạn thời hạn xét xử; Quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; Quyết định chuyển vụ án; Quyết định giải quyết khiếu nại; …

+ Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chánh án do Chánh án TA cấp trên giải quyết.

Tuy nhiên cần lưu ý trong lĩnh vực này Viện kiểm sát tham gia vào tất cả quá trình giải quyết vụ án, do đó Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ khi CQĐT tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến khi có bản án, quyết định của Tòa án.

Trong lĩnh vực tố tụng dân sự 

– Khiếu nại các quyết định, hành vi của Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân do Chánh án TA cùng cấp giải quyết, được quy định tại từng điều luật cụ thể. Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại hành vi xem xét, thẩm định tại chỗ; Khiếu nại quyết định đưa vụ án ra xét xử; Khiếu nại việc vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; …

– Khiếu nại các quyết định, hành vi của Chánh án Tòa án do Tòa án cấp trên giải quyết. Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại Quyết định chuyển vụ án; Quyết định giải quyết khiếu nại; …

Cũng cần lưu ý trong lĩnh vực này Viện kiểm sát chỉ tiến hành kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chánh án Tòa án.

Trong lĩnh vực tố tụng hành chính

– Khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của Phó chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án cùng cấp giải quyết. Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại Quyết định định giá tài sản; Quyết định ủy thác thu thập chứng cứ; Khiếu nại việc vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; …

– Khiếu nại các quyết định của Chánh án do Tòa án cấp trên giải quyết (Điều 254 LTTHC). Có thể có các khiếu nại như: Khiếu nại Quyết định nhập hoặc tách vụ án hành chính; Quyết định giải quyết khiếu nại; …

Đối với lĩnh vực này Viện kiểm sát chỉ tiến hành kiểm sát việc giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án.

Trong lĩnh vực thi hành án hình sự 

– Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, người được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự ở cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết (Điều 152 Luật THAHS)

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong THAHS của Chủ tịch UBNS cấp xã do Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết (Điều 168 Luật THAHS)

– Khiếu nại quyết định, hành vi của Phó thủ trưởng, sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc quyền quản lý của Cơ quan THAHS Công an cấp huyện do Thủ trưởng Cơ quan THAHS Công an cấp huyện giải quyết (Điều 152 Luật THAHS)

– Khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan THAHS Công an cấp huyện do Trưởng Công an huyện giải quyết (Điều 152 Luật THAHS)

– Khiếu nại quyết định, hành vi của cán bộ, chiến sỹ thuộc quyền quản lý của Cơ quan quản lý THAHS thuộc Bộ Công an do Thủ trưởng Cơ quan quan rlys THAHS giải quyết (Điều 152 Luật THAHS)

– Khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan THAHS cấp tỉnh do Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết (Điều 152, 153 Luật THAHS)

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của Cơ quan THADS cấp huyện do Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp huyện giải quyết (Điều 142, 157 Luật THADS)

– Khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp huyện; chấp hành viên thuộc quyền quản lý của Cơ quan THADS cấp tỉnh do Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp tỉnh giải quyết (Điều 142, 157 Luật THADS)

Để phân loại đơn tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát một cách chính xác nhất chúng ta cần nắm vững những khiếu nại, tố cáo nào thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong công tác giải quyết và kiểm sát đơn tư pháp.

 

Theo kiemsat.vn