Cụ thể về tiêu chuẩn đối với từng danh hiệu

Theo VKSND tối cao, việc ban hành Hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức trong công tác TĐKT để kịp thời khích lệ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND.

Đồng thời, bảo đảm gắn kết giữa đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với bình xét TĐKT hàng năm, phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn công tác của Ngành, tạo động lực cho công chức, viên chức và người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc bình xét thi đua và đề nghị hình thức khen thưởng hàng năm phải trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bảo đảm thực chất, khách quan, công bằng, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, chỉ tiêu theo quy định; tránh tư tưởng bình quân chủ nghĩa, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND.

Thực hiện công tác cán bộ phải dựa trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, kết quả công nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng hàng năm.

Liên quan đến nội dung gắn việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hàng năm với tiêu chuẩn, điều kiện đề nghị danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC đề cập đến các danh hiệu cụ thể.

Đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến”: Tiêu chuẩn đề nghị xét, công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC ngày 14/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về công tác TĐKT trong ngành KSND (Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC).

Về những lưu ý trong việc đề nghị xét, công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC nêu rõ: Chỉ xem xét, đề nghị công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho cá nhân được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên và có thời gian công tác liên tục từ 10 tháng trở lên.

Những trường hợp sau đây vẫn được xét, công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”: Cá nhân nghỉ chế độ thai sản theo quy định; cá nhân bị thương khi làm nhiệm vụ phải nghỉ việc để điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên.

Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 1 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

Cá nhân chuyển đơn vị công tác thì đơn vị mới có trách nhiệm xem xét, bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”; nếu thời gian công tác tại đơn vị cũ từ 6 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét bằng văn bản của đơn vị cũ.

Cá nhân được biệt phái đến đơn vị mới thì việc bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” do đơn vị cũ xem xét, quyết định trên cơ sở xác nhận của đơn vị mới đơn vị mới.

Không xét, đề nghị công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng; bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.

Chưa xét, đề nghị công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.

Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, tiêu chuẩn đề nghị xét, tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC.

Khi xem xét, đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, cá nhân được đề nghị phải có các tiêu chuẩn gồm: Được bình xét, đề nghị công nhận đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”; được xếp loại ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Có văn bản của cấp có thẩm quyền công nhận sáng kiến, việc vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, áp dụng sáng kiến khoa học công nghệ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đề tài nghiên cứu khoa học, đề án, chuyên đề đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, đơn vị hoặc đã được tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao, Giấy khen trong ngành KSND do có thành tích xuất sắc đột xuất trong năm công tác.

Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân”, tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC.

Khi xem xét, đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân”, cá nhân được đề nghị phải có các tiêu chuẩn đó là: Có 3 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; có quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền công nhận sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, đề án, chuyên đề đã được nghiệm thu, áp dụng trong thực tiễn.

Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, tiêu chuẩn đề nghị xét, tặng danh hiệu này theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC.

Khi xem xét, đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, cá nhân được đề nghị phải có các tiêu chuẩn sau: Có 2 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân”.

Có quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền công nhận có sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.

Thời điểm trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng, phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” là năm liền kề với năm có quyết định công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành KSND” lần thứ hai.

Đối với hình thức khen thưởng “Bằng khen” của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chuẩn đề nghị xét, tặng Bằng khen” của Thủ tướng Chính phủ đối với cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC.

Khi xem xét, đề nghị tặng “Bằng khen” của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC, cá nhân được đề nghị phải có các tiêu chuẩn là: Đã được tặng Bằng khen” của Viện trưởng VKSND tối cao (trừ “Bằng khen” được tặng qua các phong trào thi đua theo đợt và “Bằng khen” qua khen thưởng đột xuất) và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận trong thời gian đó có 5 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị tập huấn công tác TĐKT do VKSND TP Hải Phòng tổ chức. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC còn đề cập đến tiêu chuẩn đề nghị xét, tặng “Bằng khen” của Viện trưởng VKSND tối cao đối với cá nhân, nội dung này được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC.

Khi xem xét, đề nghị tặng “Bằng khen” của Viện trưởng VKSND tối cao theo quy định tại điểm c, d và đ Khoản 1 Điều 26 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC, cá nhân được đề nghị phải có đủ 2 sáng kiến trong thời gian 2 năm liên tục đó được áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở.

Tiêu chuẩn đề nghị xét, tặng “Giấy khen” đối với cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC. Khi bình xét thi đua hàng năm, chỉ xem xét, đề nghị tặng “Giấy khen” đối với cá nhân đã được công nhận đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

Gắn kết trong trình tự bình xét danh hiệu thi đua cuối năm

Sau khi tiến hành đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định tại Quy chế đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động trong ngành KSND (Ban hành kèm theo Quyết định số 561/QĐ-VKSTC ngày 13/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao), Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, các văn bản công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, đề án, chuyên đề, kết quả khen thưởng trước đó để triển khai bình xét danh hiệu thi đua đối với cá nhân theo trình tự được hướng dẫn.

Cụ thể, công bố danh sách cá nhân được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, đối chiếu với tiêu chuẩn và điều kiện để thảo luận, bình xét cá nhân đề nghị công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

Công bố danh sách cá nhân được bình xét, đề nghị công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, đối chiếu với tiêu chuẩn, điều kiện và tỉ lệ để thảo luận, bình xét cá nhân đề nghị công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Trên cơ sở danh sách cá nhân đã được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của những năm trước liền kề và danh sách cá nhân được bình xét, đề nghị công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trong năm, đối chiếu với tiêu chuẩn và điều kiện để thảo luận, đề nghị tặng “Bằng khen” của Viện trưởng VKSND tối cao hoặc công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân”.

Đối với những cá nhân được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, tuy không được đề nghị công nhận danh hiệu thi đua “Chiến sĩ thi đua cơ sở (do giới hạn tỉ lệ 15%) nhưng năm trước liền kề đã được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, đồng thời trong thời gian đó có 2 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở thì xem xét, đề nghị tặng “Bằng khen” của Viện trưởng VKSND tối cao.

Trên cơ sở danh sách cá nhân đã được tặng “Bằng khen” của Viện trưởng VKSND tối cao, sau đó có 5 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 5 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở để thảo luận, xem xét đề nghị tặng “Bằng khen” của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở danh sách cá nhân đã được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” và danh sách cá nhân được bình xét, đề nghị công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” lần thứ hai, đối chiếu với tiêu chuẩn và điều kiện để thảo luận, bình xét cá nhân đề nghị công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

Xem xét, tặng “Giấy khen” đối với những cá nhân được xếp loại chất lượng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong số cá nhân đã được đề nghị công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

Cùng với các quy định trên, Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC còn đề cập đến chế độ thông tin, cung cấp tài liệu liên quan đến việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kết quả TĐKT.

Theo Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC, kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cùng với danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng hàng năm là căn cứ để xem xét bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương trước hạn, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, công nhận hết tập sự, xem xét kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.

 

Xem toàn văn Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC tại đây: Hươngdan192020.pdf

P.V