|
|
Đại diện Viện Kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND xã, thị trấn. Ảnh: VKS |
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, có nhiều nội dung mới về phạm vi điều chỉnh, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án tử hình, thi hành án đối với pháp nhân thương mại, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân đang chấp hành án,... Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác THAHS thời gian qua, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của phạm nhân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, với những nội dung mới cơ bản như sau:
Luật THAHS đã mở rộng thêm đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại chấp hành án. Chương XI “Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại” bao gồm 9 điều quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ THA; quyết định, thủ tục, hồ sơ THA; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế THA; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại; chuyển giao nghĩa vụ THA trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp…
Bổ sung điều luật quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân
Luật đã bổ sung các nhóm quyền cho phạm nhân như: Được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Trong đó, phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật... Đây là điểm hoàn toàn mới trong Luật THAHS so với luật cũ.
Quy định về những đối tượng được giam giữ riêng
Trước đây, tại khoản 2 Điều 27 của Luật THAHS cũ (năm 2010) quy định có 6 đối tượng được giam giữ riêng, gồm: phạm nhân nữ; phạm nhân là người chưa thành niên; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam. Hiện nay, Luật THAHS đã bổ sung thêm 2 đối tượng là: phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam và phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật THAHS, có 8 đối tượng có thể được giam giữ riêng.
Việc tiếp nhận người chấp hành án phạt tù
Điều 28 của Luật THAHS quy định: Khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, trại giam, trại tạm giam, Cơ quan THAHS Công an cấp huyện được chỉ định thi hành án… phải tiếp nhận người chấp hành án phạt tù. Khi tiếp nhận, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin, khám sức khỏe cho người chấp hành hình phạt tù. Phải kiểm tra cơ thể của người chấp hành hình phạt tù để xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam. Trong đó, những đồ vật không được mang vào buồng giam gồm: vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược; các chất ma túy và thuốc tân dược có thành phần gây nghiện; rượu, bia và các chất kích thích khác; các đồ dùng có thể dùng làm hung khí như dây lưng, dây điện, dây đàn, đồ làm bằng sành sứ, đá, thủy tinh, phích nước, đồ vật sắc nhọn,…; tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý; các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, bằng cấp, chứng chỉ,…; các loại thiết bị kỹ thuật, điện tử như máy ghi âm, ghi hình, máy nghe nhìn, điện thoại, bộ đàm; tranh, ảnh, phim, băng đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy; các loại bài lá;…
Quy định về chế độ lao động, tổ chức lao động cho phạm nhân
Về chế độ lao động, khoản 4 Điều 32 bổ sung quy định: Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp sau đây: Phạm nhân bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động.
Về xếp loại chấp hành án phạt tù
Luật bổ sung Điều 35 quy định về việc phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, 1 năm dựa trên căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua, nội quy cơ sở giam giữ. Việc nhận xét, đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và tính liên tục; căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, học tập, lao động cải tạo, kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo một trong các mức: tốt, khá, trung bình, kém...
|
|
Đại diện Viện Kiểm sát làm việc trực tiếp với người chấp hành án. |
Phạm nhân được nhận tiền qua đường bưu điện
Theo quy định cũ (Điều 46 Luật THAHS năm 2010), phạm nhân chỉ được nhận quà là tiền khi được gặp trực tiếp thân nhân, thì theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật THAHS hiện hành, phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 2 lần trong 1 tháng. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 52 cũng quy định, đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS Công an cấp huyện quản lý. Việc quản lý, sử dụng đồ vật, tiền của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 28 của Luật này.
Bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện
Trên cơ sở quy định của Điều 66, Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tha tù trước thời hạn có điều kiện) và Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện), Luật THAHS bổ sung Mục 3, Chương III, gồm 16 điều (từ Điều 57 đến Điều 72) quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện, bao gồm các quy định về: thời điểm; hồ sơ quản lý, cơ quan quản lý, nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; nghĩa vụ, việc lao động, học tập, rút ngắn thời gian thử thách, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách; thực hiện việc kiểm điểm, việc vắng mặt tại nơi cư trú; xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nội quy trại giam, cơ sở giam giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật;...
Về thi hành án treo, cải tạo không giam giữ
Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thi hành án treo như bổ sung nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Theo đó, UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo có nhiệm vụ, quyền hạn lập hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; bàn giao hồ sơ cho cơ quan THAHS có thẩm quyền theo quy định của Luật này (Điều 86); quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời gian thử thách (khoản 3 Điều 86). Quy định về trình tự, thủ tục, biện pháp lao động phục vụ tại cộng đồng đối với người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành án (khoản 5 Điều 101); bổ sung một số nội dung liên quan đến việc giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 100).
Người bị án treo có thể được rút hết thời gian thử thách
Luật THAHS năm 2010 chỉ nêu thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo; về điều kiện, trình tự, thủ tục, thời hạn xem xét quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Thông tư liên tịch 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Theo đó, người được hưởng án treo có thể được TAND cấp huyện hoặc Tòa án quân sự cấp khu vực rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện:
- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;
- Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án;
- Được UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
Người được hưởng án treo một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.
Luật THAHS đã bổ sung thêm quy định: nếu thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại (khoản 2 Điều 89).
Quy định về THAHS đối với pháp nhân thương mại
Đây là quy định mới của Luật nhằm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về pháp nhân thương mại quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ THA; quyết định, thủ tục, hồ sơ THA; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế THA; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại; chuyển giao nghĩa vụ THA trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp... Về thủ tục thi hành (Điều 160) quy định: Khi được cơ quan THAHS triệu tập để thông báo, yêu cầu thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định THA, pháp nhân thương mại phải công bố quyết định đó trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của pháp nhân thương mại và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án; thông báo việc chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Điều 161 quy định: Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, cơ quan THAHS cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ THA đối với pháp nhân thương mại.
|
|
Trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Ảnh: VKS |
Về quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại, Điều 162 quy định, pháp nhân thương mại chấp hành án có các quyền sau đây: Được thông báo về việc THA; được nhận các quyết định liên quan trong quá trình chấp hành án; được khiếu nại về THA; được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Pháp nhân thương mại chấp hành án có các nghĩa vụ: Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; quyết định, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong THA; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan THA hình sự; công bố và niêm yết công khai quyết định THA; thông báo việc chấp hành hình phạt và biện pháp tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan THAHS về việc chấp hành án.
Một vài đề xuất, kiến nghị
Để Luật THAHS năm 2019 được triển khai thi hành rộng rãi trong thực tế, theo chúng tôi, cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về các nội dung mới được sửa đổi, bổ sung.
Tiếp tục rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về công tác THAHS. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan chức năng cần tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác THAHS để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về THAHS.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; giáo dục pháp luật; tổ chức tập huấn nội dung quy định của Luật, nhất là những nội dung mới cho những đối tượng có liên quan.
Xây dựng, ban hành, kiện toàn các mẫu biểu mới thay thế hệ thống mẫu biểu cũ để phù hợp với quy định mới của Luật.