Khởi tố, điều tra, truy tố phải kịp thời, khách quan, toàn diện

Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố quy định các hoạt động gồm: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm do người phạm tội tự thú hoặc những thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện cũng được thực hiện theo quy định của Quy chế này.

Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố. 

Đối tượng áp dụng của Quy chế là VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.

leftcenterrightdel
 Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đào Xuân Anh về tội "Chống người thi hành công vụ".

Quy chế được ban hành nhằm mục đích: Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội đều phải được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật.

Việc khởi tố, điều tra, truy tố phải kịp thời, khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật; những vi phạm pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố phải được phát hiện kịp thời; khắc phục và xử lý nghiêm minh.

Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên 

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, tại Điều 5 Quy chế nêu rõ: Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại các điều 41, 42, 43, quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định pháp luật khác có liên quan trong việc khởi tố, điều tra, truy tố.

Khi được phân công thụ lý giải quyết vụ án, vụ việc, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có trách nhiệm quản lý hồ sơ vụ việc, hồ sơ vụ án, hồ sơ kiểm sát. Khi báo cáo đề xuất các vấn đề thuộc công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải báo cáo trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ nội dung vụ án, vụ việc, tiến độ giải quyết và đề xuất quan điểm xử lý bằng văn bản.

Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố; xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật, Quy chế này và các quy định khác có liên quan.

Sau khi nghe Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất giải quyết vụ án, vụ việc, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải ghi rõ ý kiến chỉ đạo vào văn bản đề xuất của Kiểm sát viên; nếu thấy cần thiết thì trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chứng cứ trong hồ sơ hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, hoạt động điều tra trước khi cho ý kiến chỉ đạo. Văn bản đề xuất phải ghi rõ ngày, tháng, năm, ký tên lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên và lưu hồ sơ kiểm sát.

Trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, nếu có ý kiến khác nhau giữa các Kiểm sát viên hoặc giữa Kiểm sát viên với Phó Viện trưởng, Viện trưởng thì thực hiện theo quy định tại Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. 

Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Kiểm sát viên thụ lý chính với lãnh đạo đơn vị thì phải thực hiện ý kiến của lãnh đạo đơn vị, nhưng có quyền báo cáo với Phó Viện trưởng phụ trách; nếu có ý kiến khác nhau giữa lãnh đạo đơn vị với Phó Viện trưởng thì phải thực hiện ý kiến của Phó Viện trưởng, nhưng có quyền báo cáo với Viện trưởng. Kết luận của Viện trưởng, Phó Viện trưởng được ghi vào báo cáo của đơn vị và lưu hồ sơ kiểm sát.

Trường hợp vụ án, vụ việc phức tạp, có khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, Viện trưởng có thể đưa ra tập thể lãnh đạo Viện hoặc Ủy ban kiểm sát thảo luận trước khi kết luận. Đối với vụ án, vụ việc Viện kiểm sát cấp dưới thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên thì việc thỉnh thị và trả lời thỉnh thị thực hiện theo quy định của Ngành.

Khi phát hiện có sai sót về nghiệp vụ hoặc vi phạm pháp luật thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải có biện pháp khắc phục ngay và tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm người vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Ngoài các nội dung trên, Quy chế còn đề cập đến các nội dung cụ thể khác như: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, giám định và định giá tài sản; Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng thủ tục đặc biệt; Thực hiện chế độ báo cáo trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố...

Quyết định số 111/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao thay thế Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố; Quyết định số 169/QĐ-VKSTC ngày 2/5/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 2/5/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định.

P.V