Ra quyết định thụ lý tố cáo trong thời hạn 7 ngày
Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BTP quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trong thi hành án dân sự (THADS). Thông tư quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong THADS. Thông tư gồm 4 chương, 34 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/2/2022.
Về nguyên tắc xử lý, giải quyết đơn, Thông tư nêu rõ, việc xử lý, giải quyết đơn phải đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về THADS và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc THADS.
Trong xử lý đơn tố cáo, Thông tư quy định, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh hoặc ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Trường hợp không đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo thì người có thẩm quyền không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ nội dung tố cáo và các vấn đề khác có liên quan trước khi thụ lý giải quyết tố cáo.
Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền thì chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn và thông báo cho người tố cáo biết.
Các trường hợp thực hiện lưu đơn
Cùng với các nội dung trên, Thông tư quy định cụ thể về các trường hợp thực hiện lưu đơn, bao gồm: Đơn tố cáo đã được chuyển, hướng dẫn, trả lời, giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng đương sự vẫn tiếp tục có đơn cùng nội dung.
Đơn không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo; Đơn viết bằng tiếng nước ngoài không kèm bản dịch được công chứng.
Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
|
|
VKSND cấp huyện trực tiếp kiểm sát tại Chi cục THADS. (Ảnh minh hoạ) |
Đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.
Đơn qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo dùng tên người khác để tố cáo; tố cáo không thực hiện đúng theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo.
Đơn đồng thời đề gửi nhiều cơ quan, trong đó đã đề gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết; Đơn không rõ nội dung mà đã mời người tố cáo hợp lệ hai lần để xác định nội dung tố cáo hoặc đã có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nhưng người tố cáo không đến, không cung cấp theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng.
Thời hạn lưu đơn là 1 năm, hết thời hạn lưu đơn thì xem xét, quyết định việc tiêu hủy đơn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có văn bản chuyển đơn tố cáo và hồ sơ, tài liệu kèm theo đến CQĐT, VKSND có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đơn không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; đơn qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo dùng tên người khác để tố cáo; nội dung tố cáo được phản ánh không thực hiện theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý.
Trong quá trình xử lý đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người tố cáo, nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật. Trường hợp người tố cáo đề nghị được bảo vệ thì đề nghị người có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong phối hợp xử lý vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Thông tư quy định, Cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan THADS phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Đối với các vụ việc có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thì Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền giải quyết tổ chức họp liên ngành hoặc thành lập đoàn công tác liên ngành tiến hành xác minh, làm rõ những nội dung khiếu nại, tố cáo và thống nhất biện pháp giải quyết với cơ quan phối hợp có liên quan; trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan thì báo cáo UBND cùng cấp để được chỉ đạo giải quyết theo quy định tại Điều 173 và Điều 174 Luật THADS.
Ngoài ra,cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan THADS rà soát, phân loại đơn khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài để giải quyết theo trình tự gồm: Tổ chức họp liên ngành Trung ương, địa phương để thống nhất phương án giải quyết; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo; thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đối với việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, nếu người khiếu nại, tố cáo đồng ý với phương án giải quyết thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo ra thông báo chấm dứt giải quyết. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không đồng ý thì ra thông báo không thụ lý giải quyết, lập hồ sơ trích ngang về nội dung vụ việc, quá trình giải quyết để công khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan và thông báo cho các cơ quan có liên quan ở Trung ương, địa phương.