Ngày 18/12, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 37/2021/QĐ-TTg quy định về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (Mạng bưu chính KT1) và việc vận chuyển tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước qua dịch vụ bưu chính. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

Theo Quyết định, Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (gọi là mạng bưu chính KT1) được thiết lập và duy trì hoạt động trong nước bảo đảm các nguyên tắc: Bảo đảm bí mật nhà nước; bảo đảm bí mật, an ninh, an toàn, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống; thống nhất trong tổ chức, quản lý, vận hành và khai thác; không vì mục đích kinh doanh.

Cũng theo quy định, Mạng bưu chính KT1 do Cục Bưu điện Trung ương xây dựng, quản lý, điều hành, khai thác để bảo đảm cung cấp dịch vụ cho các đối tượng gồm: Cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên ở Trung ương và ở địa phương; các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước có tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gửi cho các cơ quan, tổ chức.

Mạng bưu chính KT1 chỉ được kết nối với mạng bưu chính công cộng, do Cục Bưu điện Trung ương trực tiếp quản lý, điều hành, khai thác gồm: Hệ thống cơ sở khai thác, điểm phục vụ bưu chính tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến vận chuyển và tuyến phát.

Dịch vụ bưu chính KT1 là việc chấp nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện tài liệu; tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước qua Mạng bưu chính KT1.

Dịch vụ bưu chính KT1 gồm: Dịch vụ KT1; dịch vụ KT1 theo độ mật: A, B, C; dịch vụ KT1 theo độ khẩn: Hỏa tốc, Hẹn giờ; dịch vụ KT1 theo độ mật (A, B, C) và độ khẩn (Hỏa tốc, Hẹn giờ). 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Về bảo đảm an toàn, an ninh trong cung cấp dịch vụ bưu chính KT1, quy định nêu rõ, bưu gửi KT1 được đóng dấu KT1, gắn mã vạch, định vị và quản lý chặt chẽ trong quá trình cung cấp dịch vụ; được khai thác, vận chuyển và phát bằng các trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dùng. Trường hợp cần thiết phải sử dụng phương tiện vận chuyển khác thì đơn vị cung cấp dịch vụ phải bố trí nhân viên áp tải trong suốt quá trình vận chuyển. 

Khi có yêu cầu của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, việc khai thác, vận chuyển và phát bưu gửi KT1 được bố trí lực lượng bảo vệ để bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật trong cung cấp dịch vụ. 

Đối với bưu gửi sử dụng dịch vụ bưu chính KT1 theo độ khẩn, độ mật, việc chấp nhận, vận chuyển và phát được ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp.

Các cơ sở khai thác dịch vụ bưu chính KT1 phải có nội quy, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng và kiểm soát người ra vào chặt chẽ. 

Người lao động tham gia trực tiếp vào quá trình cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 phải có lý lịch rõ ràng; có phẩm chất đạo đức tốt; có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức bảo vệ bí mật nhà nước; được đào tạo về nghiệp vụ bưu chính và công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong cung cấp dịch vụ bưu chính KT1.

Người được giao chuyên trách vận chuyển và phát bưu gửi KT1 được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Tổ chức liên quan đến hoạt động vận chuyển bưu gửi KT1 phải ưu tiên giao nhận, bảo quản, khai thác bưu gửi KT1 bảo đảm an toàn, an ninh, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.

Mặt khác, quy định còn nêu rõ, Mạng bưu chính KT1 phải bảo đảm cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ trong 1 ngày và 7 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết. Mạng bưu chính KT1 được đầu tư trang thiết bị hiện đại để bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Ngoài các nội dung trên, quy định còn đề cập đến quyền và nghĩa vụ của Cục Bưu điện Trung ương; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được chỉ định thực hiện duy trì, quản lý Mạng bưu chính công cộng; quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ bưu chính KT1; trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

P.V