Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong CAND để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Công an cho biết, để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Trong đó, bổ sung các quy định về trách nhiệm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; việc xây dựng, ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành; kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; thời hạn gửi Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để thống nhất với quy định tại Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 24/1/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật là một nguyên tắc Hiến định; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) khẳng định : "Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật..." là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong đổi mới toàn bộ hệ thống chính trị; trong đó, có công tác Công an.
Hoạt động tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và theo dõi việc thi hành pháp luật trong CAND thời gian qua được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, pháp luật nói chung, các quy định về chức năng, nhiệm vụ của CAND nói riêng và Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Mặt khác, để kịp thời cụ thể hoá các nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Chiến lược xây dựng lực lượng CAND “Cách mạng - Chính quy - Tinh nhuệ - Hiện đại”.
Đồng thời, bảo đảm và tiếp tục khẳng định lực lượng CAND tiếp tục trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm vững chắc lợi ích an ninh quốc gia, giữ vững thế chủ động chiến lược, trật tự, an toàn xã hội được chuyển biến tích cực, kiềm chế gia tăng tội phạm, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước...
Từ những lý do trên, theo Bộ Công an, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong CAND, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi việc thi hành pháp luật trong CAND phù hợp với đặc điểm, đặc thù riêng của lực lượng CAND là cần thiết.
Dự thảo Thông tư gồm 5 chương, 16 điều, gồm: Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; các hình thức theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; xem xét, đánh giá và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; báo cáo việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật…
Theo dự thảo Thông tư, thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong CAND được thu thập, tiếp nhận từ các nguồn gồm: Báo cáo hành chính của cơ quan nhà nước; kết quả hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; các nguồn thông tin phù hợp khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân có thể cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong CAND thông qua các hình thức như: Gửi văn bản trực tiếp đến cơ quan Công an quy định tại khoản 2 Điều này; trực tiếp tại trụ sở tiếp công dân; qua Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an hoặc Trang Thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương; các hình thức cung cấp thông tin phù hợp khác.
Thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp phải được kiểm tra, đối chiếu trước khi sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Trường hợp cần làm rõ tính chính xác, khách quan của thông tin đã được thu thập, tiếp nhận, Công an các đơn vị, địa phương yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, giải trình bằng văn bản những vấn đề liên quan; tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế (nếu thấy cần thiết).