Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Thông tư quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo dự thảo, việc lập hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các văn bản, tài liệu trong một hồ sơ phải có sự liên quan chặt chẽ với nhau và phản ánh đúng trình tự, diễn biến của sự việc hoặc trình tự thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo. Văn bản, tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao y bản chính.

Cũng theo dự thảo quy định, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc lập hồ sơ thanh tra. Thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập.

Nội dung hồ sơ thanh tra gồm: Thời điểm mở hồ sơ được xác định từ ngày ban hành Quyết định thanh tra. Thu thập phân loại văn bản, tài liệu và lập mục lục để quản lý văn bản, tài liệu trong quá trình tiến hành thanh tra. Thời điểm kết thúc hồ sơ được xác định từ ngày người có thẩm quyền ra văn bản chỉ đạo hoặc quyết định về việc xử lý kết quả thanh tra.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ. 

Mặt khác, dự thảo cũng nêu rõ, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc lập hồ sơ giải quyết khiếu nại.

Trường hợp người giải quyết khiếu nại giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình tiến hành xác minh nội dung khiếu nại, thành lập tổ xác minh nội dung khiếu nại thì thủ trưởng đơn vị chủ trì hoặc tổ trưởng tổ xác minh, người được giao nhiệm vụ xác minh có trách nhiệm giúp người giải quyết khiếu nại lập hồ sơ giải quyết khiếu nại.

Nội dung lập hồ sơ giải quyết khiếu nại được thể hiện ở các nội dung: Thời điểm mở hồ sơ được xác định từ ngày người có thẩm quyền ra thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại. Thu thập, phân loại văn bản, tài liệu và lập mục lục để quản lý văn bản, tài liệu trong quá trình giải quyết khiếu nại. Thời điểm kết thúc hồ sơ được xác định từ ngày người có thẩm quyền gửi quyết định giải quyết khiếu nại và kết thúc việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại.

Ngoài ra, theo dự thảo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc lập hồ sơ giải quyết tố cáo. Trường hợp người giải quyết tố cáo giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo, thành lập đoàn xác minh tố cáo hoặc tổ xác minh tố cáo thì thủ trưởng đơn vị chủ trì hoặc tổ trưởng tổ xác minh có trách nhiệm giúp người giải quyết tố cáo lập hồ sơ giải quyết tố cáo.

Nội dung lập hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo gồm: Thời điểm mở hồ sơ được xác định từ ngày người có thẩm quyền ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo. Thu thập, phân loại văn bản, tài liệu và lập mục lục để quản lý văn bản, tài liệu trong quá trình giải quyết tố cáo. Thời điểm kết thúc hồ sơ được xác định từ ngày người có thẩm quyền kết thúc việc công khai kết luận nội dung tố cáo, thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo và công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Ngoài các nội dung trên, dự thảo Thông tư còn đề cập đến các nội dung khác như: Hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo; hồ sơ xử lý tố cáo tiếp, giải quyết lại vụ việc tố cáo; lưu giữ, nộp lưu hồ sơ; bảo quản hồ sơ; quản lý, sử dụng, khai thác hồ sơ…

P.V