Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 166/2021/TT-BQP quy định tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2022.
Thông tư quy định về tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân Bộ Quốc phòng và trụ sở, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý; nguyên tắc, trách nhiệm, quyền hạn tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người tiếp công dân; mối quan hệ của cơ quan quản lý nơi tiếp công dân với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân trong Bộ Quốc phòng.
Theo Thông tư, việc tiếp công dân phải đảm bảo các nguyên tắc đó là: Tiến hành tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị, theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, thuận tiện, không phân biệt đối xử; đồng thời, tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm tiếp công dân, Thông tư quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân của Bộ, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để tiếp công dân theo quy định. Mỗi tháng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bố trí thời gian tiếp công dân ít nhất 1 ngày tại trụ sở tiếp công dân của Bộ (trừ trường hợp đột xuất).
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp (từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên) có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm các điều kiện vật chất phục vụ cho việc tiếp công dân theo quy định. Chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp nhận, phân loại, hướng dẫn, trả lời đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện tiếp công dân theo quy định của pháp luật; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác tiếp công dân, người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm việc tại nơi tiếp công dân theo quy định. Cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/1 tháng; cấp còn lại trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày/1 tháng.
Về tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của người tiếp công dân, Thông tư nêu rõ, người tiếp công dân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; am hiểu thực tiễn; có phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng; có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao.
Nắm vững đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chế độ, quy định của Bộ Quốc phòng; thực hiện trách nhiệm của người tiếp công dân theo quy định tại Điều 8 Luật Tiếp công dân năm 2013 và Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Đồng thời, người tiếp công dân chỉ được tiếp công dân tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị và được từ chối tiếp công dân theo quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân năm 2013.