VKSND tối cao vừa có văn bản hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp lưu ý một số nội dung khi kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đối với việc thỏa thuận của đương sự về thi hành án (THA), VKSND tối cao lưu ý, không áp dụng đối với tài sản để THA đã được Tòa án tuyên “tịch thu sung vào ngân sách nhà nước” hoặc “thu hồi cho nhà nước” và đã được Tòa án tuyên áp dụng biện pháp kê biên hoặc tiếp tục duy trì lệnh kê biên (thường liên quan đến tội phạm về tham nhũng). Do đó, Kiểm sát viên cần lưu ý khi kiểm sát THA đối với tài sản đã được Tòa án tuyên “tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước” hoặc “thu hồi cho Nhà nước” và đã được Tòa án tuyên áp dụng biện pháp kê biên hoặc tiếp tục duy trì lệnh kê biên, nếu phát hiện thấy Chấp hành viên chấp nhận việc thỏa thuận của đương sự về việc phân chia tài sản chung hoặc lựa chọn tổ chức thẩm định giá (theo Khoản 1 Điều 98 Luật THADS) thì phải kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện xem xét ban hành kiến nghị, kháng nghị.  

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần phân biệt THA chủ động và THA theo yêu cầu đối với “các khoản thu khác cho Nhà nước”. Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, “các khoản thu khác cho Nhà nước” bao gồm: Các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước, khoản truy thu thuế, khoản viện trợ cho nhà nước và các khoản bồi thường cho nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, quy định trên đã được sửa đổi tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP (Khoản 3.9 Điều 6 Văn bản hợp nhất số 1357/VBHN-BTP ngày 14/4/2020, hợp nhất Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và số 33/2020/NĐ-CP), cụ thể: “Các khoản thu khác cho nhà nước” thuộc diện cơ quan THADS chủ động ra Quyết định thi hành án quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 36 Luật THADS bao gồm: “Khoản truy thu thuế, khoản viện trợ cho nhà nước, khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; khoản thu nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước”.

Như vậy, để tránh nhầm lẫn khi kiểm sát THA đối với “Các khoản thu khác cho Nhà nước”, Kiểm sát viên cần lưu ý: Kể từ ngày 1/5/2020, thực hiện theo quy định tại Khoản 3.9 Điều 6 Văn bản hợp nhất số 1357/VBHN-BTP, những trường hợp cơ quan THADS chủ động ra quyết định THA đã có sự điều chỉnh về “Các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng”, không căn cứ vào loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mà căn cứ vào các khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát phối hợp với Chi cục THADS giải quyết vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án (Ảnh minh hoạ)

Việc THA theo đơn yêu cầu và đối với doanh nghiệp mà nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định tại Khoản 3 Điều 3 Văn bản số 1357/VBHN quy định: “Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được THA đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu THA thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu THA”.

Mặt khác, VKSND tối cao cũng lưu ý đến một nội dung khác đó là việc kiểm sát việc xác minh hiện trạng đối với tài sản đã được bản án, quyết định của Tòa án tuyên áp dụng biện pháp kê biên hoặc tiếp tục duy trì lệnh kê biên.

Đối với tài sản để THA đã được bản án, quyết định của Tòa án tuyên áp dụng biện pháp kê biên hoặc tiếp tục duy trì lệnh kê biên, trước khi thực hiện thủ tục thẩm định giá, Kiểm sát viên cần lưu ý kiểm sát việc Chấp hành viên phải tiến hành xác minh hiện trạng tài sản đã bị kê biên. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy tình trạng tài sản thực tế khác với tình trạng tài sản như nội dung bản án, quyết định hoặc khác với nội dung lệnh kê biên của Tòa án đã tuyên, Chấp hành viên phải thực hiện xác minh tại cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước chuyên ngành về tài sản đã bị kê biên. 

Nếu kết quả xác minh cuối cùng không phù hợp với bản án, quyết định hoặc lệnh kê biên mà Tòa án đã tuyên thì cơ quan THADS áp dụng Điểm d Khoản 1 Điều 23 Luật THADS để yêu cầu Tòa án sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định, lệnh kê biên hoặc ban hành văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định, lệnh kê biên tuyên chưa rõ. Văn bản sửa chữa, bổ sung, đính chính, giải thích... của Tòa án là cơ sở để cơ quan THADS thực hiện các thủ tục thẩm định giá để xử lý tài sản

Tuy nhiên, thực tế vẫn có sự nhầm lẫn của Chấp hành viên về việc xác minh đối với trường hợp này giống như xác minh về tài sản THA thông thường. Do đó, Chấp hành viên đã lấy kết quả xác minh tại cơ quan chuyên môn có thẩm quyền làm căn cứ xử lý tài sản (xác định phần tài sản của đồng sở hữu trên cơ sở quy định của pháp luật hoặc trên cơ sở thỏa thuận của các đương sự hoặc cho họ thực hiện quyền của đồng sở hữu có tranh chấp theo Điều 75 Luật THADS; ký Hợp đồng dịch vụ thẩm định giá tài sản…).

Những vi phạm này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Do vậy, Kiểm sát viên cần phân biệt sự khác nhau về trình tự xác minh điều kiện về THADS nói chung (thực hiện theo Điều 44 Luật THADS, Điều 10 Quy chế 810) với trình tự xác minh về thi hành án đối với tài sản đã được bản án, quyết định của Tòa án tuyên áp dụng biện pháp kê biên hoặc tiếp tục duy trì lệnh kê biên. 

Khi kiểm sát, nếu thực trạng tài sản không đúng với nội dung bản án, quyết định, lệnh kê biên của Tòa án đã tuyên, cần kiểm sát việc cơ quan THADS áp dụng quyền yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa, bổ sung, đính chính… bản án, quyết định, lệnh kê biên, vì đây là căn cứ để tổ chức THA. Trường hợp phát hiện thấy cơ quan THADS không áp dụng quyền này thì Viện kiểm sát phải yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan THADS có văn bản yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa, bổ sung, đính chính… bản án, quyết định, lệnh kê biên đã tuyên.

P.V