Theo VKSND tối cao, thời gian qua, nhìn chung các VKSND địa phương đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, qua theo dõi công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND địa phương, VKSND tối cao nhận thấy còn một số tồn tại trong khâu công tác này.

Trước hết, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng VKS cấp tỉnh, Viện trưởng VKS cấp huyện, Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng VKSND cấp huyện (Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1)... còn đối với Quyết định giải quyết tố cáo của Viện trưởng VKSND cấp huyện không phải là đối tượng giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh. 

Tuy nhiên, thời gian qua có VKSND cấp tỉnh ra Quyết định giải quyết khiếu nại đối với Quyết định giải quyết tố cáo của Viện trưởng VKSND cấp huyện là không đúng quy định tại Điều 476 BLTTHS đã nêu trên. Trường hợp VKS cấp trên căn cứ vào Điều 483 BLTTHS để kiểm tra việc giải quyết tố cáo của VKS cấp dưới thì kết thúc việc kiểm tra phải ban hành kết luận; nếu phát hiện quyết định giải quyết tố cáo không đúng, không đầy đủ thì căn cứ vào Điều 7 Luật Tổ chức VKSND và Điều 41 BLTTHS hủy bỏ Quyết định giải quyết tố cáo của VKS cấp dưới để yêu cầu giải quyết lại nội dung tố cáo.

leftcenterrightdel
 VKS các cấp luôn quan tâm đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. (Ảnh minh hoạ)

Về việc sử dụng biểu mẫu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo: Hiện tại trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp có hệ thống biểu mẫu khiếu tố (được ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ- VKSTC ngày 1/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) và hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2018 ngày 5/9/2018. Tuy nhiên khi sử dụng hệ thống biểu mẫu thì cần lưu ý, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự thì sẽ áp dụng biểu mẫu của TTLT số 02, các trường hợp khác giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp thì áp dụng theo biểu mẫu của Quyết định 204.

Về nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại, theo hướng dẫn của biểu mẫu “Quyết định giải quyết khiếu nại" thì phần nội dung khiếu nại, tố cáo phải ghi tóm tắt nội dung của vụ việc khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên một số VKS địa phương không nêu nội dung khiếu nại, tố cáo theo hướng dẫn này.

Về phần Quyết định của “Quyết định giải quyết khiếu nại": Theo hướng dẫn của biểu mẫu thì phần này cần nêu đủ các nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo: Giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định bị khiếu nại; chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hay bác đơn khiếu nại, tố cáo; chấm dứt hành vi bị khiếu nại, tố cáo; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại, tố cáo; việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có).

Ghi tên cơ quan có nghĩa vụ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; ghi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hay quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật (nếu là quyết định giải quyết lần đầu phải ghi rõ quyền khiếu nại tiếp theo).

Tuy nhiên trên thực tế một số địa phương chưa ghi đầy đủ các thông tin như hướng dẫn trên. Có địa phương không ghi rõ nội dung, có địa phương không ghi rõ tên cơ quan, cá nhân có nghĩa vụ thi hành. Trường hợp giải quyết khiếu nại lần đầu, để đảm bảo quyền và lợi ích của người khiếu nại thì trong Quyết định giải quyết cần phải ghi rõ Quyết định giải quyết khiếu nại là quyết định giải quyết lần đầu đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại tiếp theo nếu không đồng ý với kết quả giải quyết hoặc Quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại lần 2.

Về việc ký văn bản trong hoạt động kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, theo Thông báo của VKSND tối cao, việc ký Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc các văn bản trả lời đơn trong lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền của chức danh tư pháp là Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng ký thay khi được Viện trưởng giao hoặc Kiểm sát viên ký thừa lệnh Viện trưởng khi được Viện trưởng ủy quyền (được quy định rõ trong Quyết định số 204). 

Tuy nhiên, qua theo dõi, thời gian qua một số địa phương lại ký với chức vụ Trưởng phòng hoặc Chánh Thanh tra. Một số VKSND cấp tỉnh ban hành Quyết định trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại CQĐT, Tòa án lại phân công Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra làm trưởng đoàn mà không ghi chức danh Kiểm sát viên là không đúng quy định vì Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra là chức vụ quản lý nội bộ ngành, không phải chức danh tư pháp để thực hiện hoạt động kiểm sát.

P.V