Ngày 7/6/2021, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC về “Một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” (Hướng dẫn số 26). Việc ban hành Hướng dẫn số 26 thể hiện sự cần thiết và đáp ứng kịp thời yêu cầu chỉ đạo tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” và Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 26/6/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường kiểm sát THADS về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. 

Việc ban hành Hướng dẫn số 26 là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, theo VKSND tối cao, quá trình thực hiện Hướng dẫn số 26 cần lưu ý một số vấn đề về nội dung, đối tượng kiểm sát của hoạt động kiểm sát thi hành án về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Theo đó, hoạt động kiểm sát này tuy có tính chất phức tạp hơn hoạt động kiểm sát các loại việc THADS khác; nhưng về trình tự, thủ tục cơ bản vẫn thực hiện theo các nội dung của công tác kiểm sát THADS được quy định tại Quy chế số 810. Tuy nhiên, với những đặc thù về nội dung kiểm sát, về đối tượng kiểm sát và các yếu tố về tài sản thi hành án, Kiểm sát viên cần nắm chắc một số nội dung đã được xác định.

leftcenterrightdel
Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát công tác THADS tại Chi cục THADS. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, về nội dung kiểm sát, theo quy định tại Điều 1 Luật THADS, nội dung kiểm sát thi hành án thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là kiểm sát thi hành phần bản án, quyết định hình sự có liên quan đến thu hồi tài sản, bao gồm: Thu hồi tài sản cho nhà nước và thu hồi tài sản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên. Do đó, nội dung hoạt động kiểm sát này có cả kiểm sát loại việc thi hành án chủ động và kiểm sát loại việc thi hành án theo đơn yêu cầu.

Đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu (quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật THADS), thu hồi tài sản để thi hành án thường là “tài sản đảm bảo”, đã được tuyên rõ trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc tài sản do Chấp hành viên “tìm được” thông qua xác minh điều kiện thi hành án và được tổ chức thi hành theo trình tự, thủ tục THADS để thi hành phần bồi thường cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

Đối với việc thi hành án chủ động (quy định tại Khoản 2 Điều 36 Luật THADS), thu hồi tài sản để thi hành án thường là tài sản hiện hữu, đã được Tòa án tuyên kê biên, phong tỏa hoặc duy trì lệnh kê biên, phong tỏa... để thi hành cho các khoản như hình phạt tiền (hình phạt chính, hình phạt bổ sung); tịch thu tài sản (hình phạt bổ sung); tịch thu tiền, tài sản thu lợi bất chính (biện pháp tư pháp, quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự); án phí, lệ phí Tòa án; tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; truy thu thuế, các khoản thu khác cho nhà nước.

Như vậy, hoạt động thi hành án về thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế về cơ bản phần lớn thuộc diện cơ quan THADS phải chủ động ra quyết định thi hành án và trong Hướng dẫn số 26 chủ yếu đề cập đến kỹ năng kiểm sát thi hành án về thu hồi tài sản cho nhà nước, thuộc loại việc thi hành án chủ động.

Về đối tượng kiểm sát, đối tượng kiểm sát THADS nói chung là việc tuân theo pháp luật của nhiều chủ thể khác nhau như Tòa án, Cơ quan THADS, Chấp hành viên, Văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động THADS từ khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành cho tới khi kết thúc việc thi hành án và việc khiếu nại, tố cáo về THADS được giải quyết xong, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, đối tượng kiểm sát thi hành án về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế hẹp hơn, đó là, không kiểm sát hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại và hoạt động Thừa phát lại.

P.V