Một số vướng mắc từ thực tiễn
Theo quy định tại Điều 67 BLTTHS 2015, người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS. Rất nhiều hoạt động tố tụng cần phải có sự tham dự của người chứng kiến, như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, bắt người, thực nghiệm điều tra, nhận dạng. Người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung, kết quả công việc mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân. Ý kiến này được ghi vào biên bản (Điều 176 BLTTHS 2015). Sự tham gia của người chứng kiến sẽ bảo đảm cho các hoạt động tố tụng được tiến hành một cách khách quan, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định về người chứng kiến đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, một số hoạt động tố tụng như bắt, khám xét người, phương tiện diễn ra ở những nơi xa khu dân cư, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, không thực hiện được việc thông tin, liên lạc thì việc quy định phải có người chứng kiến, đồng thời người đó còn phải không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 67 BLTTHS 2015 (Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc; Người dưới 18 tuổi; Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan), đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình tiến hành tố tụng.
|
|
Còn có vướng mắc quy định về người chứng kiến trong tố tụng hình sự. Ảnh minh họa |
Thứ hai, lời khai của người chứng kiến là một nguồn chứng cứ. Mặc dù BLTTHS 2015 đã có quy định về lời khai của người chứng kiến tại Điều 97 (Người chứng kiến trình bày những tình tiết mà họ đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng) nhưng lại chưa quy định trình tự, thủ tục triệu tập, lấy lời khai của họ, gây khó khăn, vướng mắc, thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng, chẳng hạn trong trường hợp bị can khiếu nại việc khám xét, Cơ quan điều tra cần phải tiến hành triệu tập người chứng kiến để lấy lời khai, cho họ đối chất với bị can, lúc này, việc triệu tập thực hiện bằng hình thức nào? Việc lấy lời khai người chứng kiến tiến hành ở đâu? Nếu người chứng kiến vắng mặt thì xử lý ra sao?... Các nội dung này chưa được BLTTHS 2015 quy định.
Thứ ba, người chứng kiến có thuộc đối tượng được bảo vệ hay không? Vấn đề này, BLTTHS 2015 quy định chưa thống nhất. Khoản 1 Điều 484 BLTTHS 2015 quy định những người được bảo vệ chỉ gồm: Người tố giác tội phạm, Người làm chứng, Bị hại và Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại. Trong khi đó, tại điểm b khoản 3 Điều 67 Bộ luật này lại quy định một trong các quyền của người chứng kiến là yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa.
Theo chúng tôi, khi tham gia tố tụng, người chứng kiến và người thân thích của họ cũng cần được áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản khi bị đe dọa để họ yên tâm tham gia một cách tích cực, khách quan, có hiệu quả vào các hoạt động tố tụng, từ đó góp phần giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án, vụ việc khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, BLTTHS 2015 quy định còn chưa rõ ràng về người chứng kiến là đại diện của chính quyền cấp xã và đại diện của cơ quan, tổ chức, dẫn đến việc nhận thức và thực hiện trong thực tế chưa được thống nhất. Trường hợp người chứng kiến là đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn, khi tiến hành bắt bị can, bị cáo để tạm giam, kê biên tài sản, khám xét và tạm giữ đồ vật, tài liệu (khoản 2 Điều 113, khoản 4 Điều 128, Điều 195, khoản 1 Điều 198 BLTTHS 2015), có nơi cho rằng đại diện chính quyền thì phải là lãnh đạo nên đã yêu cầu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch cấp xã làm người chứng kiến; có nơi lại yêu cầu trưởng Công an xã hoặc công chức khác làm người chứng kiến vì cho rằng đại diện thì có thể là bất kỳ người nào làm việc trong xã, phường, thị trấn. Đối với đại diện của cơ quan, tổ chức thì cũng có hai quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, đại diện của cơ quan thì phải là người đứng đầu cơ quan đó, trong khi ý kiến khác lại cho rằng, đại diện cơ quan, tổ chức không nhất thiết phải là lãnh đạo cơ quan, tổ chức, mà có thể là người khác, miễn là họ đang làm việc tại cơ quan, tổ chức đó.
|
|
Kiểm sát việc thi hành lệnh bắt, khám xét nơi ở của bị can để điều tra về hành vi giết người. Ảnh: BTH |
Kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, theo chúng tôi, cần bổ sung vào BLTTHS 2015 quy định: Trường hợp vì lý do khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng, thì việc tiến hành hoạt động tố tụng không cần phải có người chứng kiến hoặc vẫn có người chứng kiến nhưng chỉ yêu cầu người đó trên 18 tuổi và không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc. Việc bổ sung này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi tiến hành hoạt động tố tụng ở những nơi địa hình phức tạp, đi lại khó khăn…
Thứ hai, BLTTHS 2015 thiếu vắng quy định về thủ tục triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến. Còn trong thực tiễn, một số cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã vận dụng các quy định, các mẫu văn bản liên quan đến việc triệu tập, lấy lời khai người làm chứng để tiến hành triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc bổ sung quy định về triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến vào BLTTHS 2015 là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm căn cứ pháp lý và sự thống nhất trong việc triệu tập, lấy lời khai của người chứng kiến. Theo chúng tôi, có thể bổ sung một điều luật vào Chương XII BLTTHS 2015 và quy định việc triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến, như thế vừa bảo đảm sự đầy đủ và phù hợp với nội dung của Chương này.
“Điều 188a. Triệu tập, lấy lời khai của người chứng kiến
Việc triệu tập, lấy lời khai của người chứng kiến được thực hiện theo quy định tại các Điều 185, 186 và 187 của Bộ luật này.
Việc lấy lời khai của người chứng kiến có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.”
Thứ ba, cần bổ sung người chứng kiến và người thân thích của họ vào diện những người được bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều 484 BLTTHS 2015, qua đó bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ và người thân thích của họ khi bị đe dọa, để họ yên tâm thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình.
“Điều 484. Người được bảo vệ
1. Những người được bảo vệ gồm:
a) Người tố giác về tội phạm;
b) Người làm chứng;
c) Bị hại;
d) Người chứng kiến;
đ) Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại, người chứng kiến.
2…”
Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chế định người chứng kiến của BLTTHS, trong đó có nội dung hướng dẫn về việc lựa chọn, yêu cầu người chứng kiến là đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và đại diện của cơ quan, tổ chức.