Khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015 có quy định như sau:
“Điều 88. Thu thập chứng cứ
1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
…
5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án…”.
Đây là quy định mới được bổ sung vào BLTTHS 2015. Sau một thời gian áp dụng cho thấy sự bổ sung này là cần thiết, bảo đảm công tác kiểm sát việc điều tra được thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, toàn diện và kịp thời.
|
|
Trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang). |
Vậy nhưng, thực tiễn áp dụng cho thấy quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015 vẫn còn chưa đầy đủ khi chỉ đặt ra trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền điều tra trong việc chuyển các biên bản về hoạt động điều tra, các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được hoặc nhận được liên quan đến vụ án cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, mà không bắt buộc cơ quan có thẩm quyền điều tra phải chuyển các biên bản, tài liệu đã thu thập được hoặc nhận được trong giai đoạn khởi tố, cụ thể là các biên bản, tài liệu trong hoạt động kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho Viện kiểm sát. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bởi lẽ, nếu cơ quan có thẩm quyền điều tra không chuyển cho Viện kiểm sát các biên bản, tài liệu về hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát thì Viện kiểm sát không thể kiểm sát được tính có căn cứ, hợp pháp của các biên bản, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền điều tra thu thập hoặc nhận được trong giai đoạn này.
Đồng thời, Viện kiểm sát cũng không nắm chắc được tiến độ, chất lượng hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan có thẩm quyền điều tra (như các hoạt động nào đã được tiến hành, việc thu thập tài liệu, chứng cứ đã đầy đủ hay chưa? Có vi phạm gì không?), để từ đó kịp thời trao đổi, yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện các hoạt động cần thiết, cũng như bổ sung tài liệu, khắc phục vi phạm, thiếu sót xảy ra.
Ngoài ra, cụm từ “biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này” tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015 cũng chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến có các cách hiểu khác nhau giữa các ngành, các đơn vị trong quá trình tiến hành tố tụng. Có ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ phải gửi các biên bản, tài liệu liên quan đến 7 hoạt động điều tra mà BLTTHS 2015 bắt buộc Kiểm sát viên tham gia nhưng Kiểm sát viên đã không có mặt, bao gồm: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét và thực nghiệm điều tra. Ý kiến khác lại cho rằng, cơ quan có thẩm quyền điều tra phải chuyển cho Viện kiểm sát tất cả các biên bản về hoạt động điều tra (bao gồm 7 hoạt động bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia và các hoạt động điều tra khác như hỏi cung bị can, lấy lời khai đương sự), tài liệu thu thập được, nhận được liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không có mặt để kiểm sát.
Trong thực tế, tại một số đơn vị, Kiểm sát viên đã trao đổi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, Điều tra viên phối hợp trong việc chuyển kịp thời các biên bản, tài liệu trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho Viện kiểm sát để kiểm sát. Điều này đã giúp Kiểm sát viên nắm chắc hồ sơ vụ việc, theo dõi chặt chẽ tiến độ, chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, qua đó đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh đúng hướng, đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Do đó, để việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, chúng tôi đề nghị bổ sung vào khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015 quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền điều tra trong việc chuyển cho Viện kiểm sát các biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh, các tài liệu thu thập được, nhận được liên quan đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà Kiểm sát viên không có mặt để kiểm sát. Đồng thời, quy định rõ cơ quan có thẩm quyền điều tra phải chuyển cho Viện kiểm sát tất cả các biên bản về hoạt động điều tra mà Kiểm sát viên không có mặt để kiểm sát; cụ thể:
“Điều 88. Thu thập chứng cứ
1…
5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động khởi tố, điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án, vụ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà Kiểm sát viên không có mặt để kiểm sát thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, vụ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố …”.