Trong những năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng các phần mềm, giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm sát, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Một trong các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm sát đó là triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại các phiên tòa.

Tuy nhiên, hiện nay Ngành Kiểm sát nhân dân vẫn chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình số hóa hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa nói chung, phiên tòa xét xử các vụ án dân sự nói riêng, dẫn đến thực tiễn thực hiện công tác này vẫn chưa có sự thống nhất.

Qua nghiên cứu và thực tiễn thực hiện việc số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi trong việc số hóa hồ sơ, xây dựng đề cương trình chiếu, báo cáo án bằng hình ảnh, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa dân sự…, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

1. Trước khi tham gia phiên tòa

- Sau khi đã số hóa toàn bộ hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên sử dụng một trong các phần mềm như PDFMate Free PDF Merger, Split PDF để ghép nối các file riêng lẽ thành một file PDF thể hiện toàn bộ các tài liệu, chứng cứ của vụ án (File vụ án). sau đó, Kiểm sát viên tạo Bookmark cho file vụ án, tạo sự thuận lợi, hiệu quả trong việc tìm kiếm, nghiên cứu hồ sơ.

leftcenterrightdel
 Số hóa hồ sơ vụ án (VKS Đà Nẵng)

- Xây dựng đề cương trình chiếu

Để công tác kiểm sát xét xử tại phiên tòa dân sự đạt kết quả tốt, trên cơ sở hồ sơ vụ án đã được số hóa, Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu, xây dựng đề cương trình chiếu tại phiên tòa, theo hướng dự kiến các tình huống có thể xảy ra và các chứng cứ, tài liệu, văn bản cụ thể phải trình chiếu để chứng minh, làm rõ các tình tiết của vụ án. Kiểm sát viên tạo Folder “Đề cương trình chiếu” trên máy tính, gồm có các thư mục con: “Phần hỏi”, “Phần phát biểu của Kiểm sát viên”.

Trong phần hỏi, Kiểm sát viên dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa (người tham gia tố tụng vắng mặt, lời khai của họ tại phiên tòa mâu thuẩn với lời khai trước đó, đương sự đề nghị công bố lời khai của họ, bị đơn không trình bày lời khai tại phiên tòa) và lựa chọn các chứng cứ, tài liệu cần đề nghị Hội đồng xét xử công bố bằng hình ảnh tương ứng với các tình huống đó (các biên bản ghi lời khai, bản tự khai của đương sự, biên bản đối chất, biên bản hòa giải).

Khi đã lựa chọn được các tài liệu, chứng cứ cần sử dụng, Kiểm sát viên tiến hành đánh dấu, làm nổi bật các nội dung quan trọng trong các tài liệu, chứng cứ đó để khi trình chiếu, những người tham gia phiên tòa có thể nhìn thấy rõ. Việc dự kiến đầy đủ các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, chuẩn bị chu đáo tài liệu, chứng cứ cần sử dụng…sẽ tạo sự chủ động, tự tin cho Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa.

Trong phần phát biểu của Kiểm sát viên, từ dự thảo bài phát biểu, Kiểm sát viên xác định các chứng cứ, tài liệu, văn bản để trình chiếu, minh họa cho lời phát biểu thêm thuyết phục, như nội dung hợp đồng tín dụng, biên bản đối chất giữa các đương sự, kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền, các quy định của pháp luật thể hiện những vi phạm của Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng.

- Xây dựng và báo cáo án bằng hình ảnh

Từ hồ sơ số hóa, Kiểm sát viên nghiên cứu, vận dụng xây dựng văn bản báo cáo đề xuất về việc giải quyết vụ án, rồi tiến hành báo cáo án với lãnh đạo Viện bằng hình ảnh. Việc này vừa giúp cho Kiểm sát viên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu hồ sơ, lại vừa giúp cho hoạt động báo cáo án được chuyên nghiệp, thuyết phục, hiệu quả hơn. Cụ thể:

leftcenterrightdel
  Xử lý tài liệu, chứng cứ sau khi số hóa (VKS Đà Nẵng)

Khi xây dựng văn bản báo cáo đề xuất về giải quyết vụ án, Kiểm sát viên có thể đính kèm file hoặc bản chụp đơn khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân, các hợp đồng, biên bản hòa giải, biên bản xác minh của Tòa án…vào văn bản báo cáo để chứng minh, làm rõ nội dung của báo cáo.

Trong buổi họp án, Kiểm sát viên trình chiếu văn bản báo cáo đề xuất về việc giải quyết vụ án, cùng các văn bản, tài liệu chứng minh cho nội dung của văn bản báo cáo, kết hợp với việc phân tích để làm rõ các tình tiết của vụ án. 

2. Tham gia phiên tòa, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh

- Kiểm sát viên cần lưu ý các trường hợp được đề nghị Hội đồng xét xử công bố và không được công bố lời khai tại phiên tòa được quy định tại Điều 254 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Trong quá trình hỏi, khi gặp tình huống nào thì Kiểm sát viên chủ động hỏi theo đề cương, kết hợp với việc trình chiếu các chứng cứ, tài liệu, văn bản đã chuẩn bị trước đó. Ví dụ: Nếu tại phiên tòa, bị đơn khai báo có mâu thuẫn, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử và tiến hành trình chiếu các biên bản tự khai, biên bản ghi lời khai người làm chứng, kết luận định giá tài sản…để làm rõ các tình tiết vụ án.

leftcenterrightdel
 Trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa (Ảnh: Duy Phương)

- Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chú ý theo dõi diễn biến phiên tòa để kịp thời bổ sung, sửa đổi nội dung bản phát biểu cho phù hợp, chính xác, chẳng hạn, trước phiên tòa đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật nhưng tại phiên tòa đương sự vi phạm nghĩa vụ của mình (sử dụng điện thoại di động, gây mất trật tự phiên tòa, tự ý trình bày khi Hội đồng xét xử chưa cho phép).

Trong khi Kiểm sát viên kiểm sát xét xử phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án, người tham gia tố tụng và quan điểm về việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên giúp việc đồng thời trình chiếu các chứng cứ, tài liệu, văn bản đã chuẩn bị trước đó để minh họa cho lời phát biểu của Kiểm sát viên. Việc trình chiếu chứng cứ, tài liệu, văn bản cần phù hợp, không quá nhanh hoặc quá chậm so với lời phát biểu của Kiểm sát viên.

Sau mỗi phiên tòa có công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, ngoài việc xem xét lại quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên còn cần kiểm tra lại công tác số hóa hồ sơ, việc lựa chọn tài liệu, chứng cứ trình chiếu, các thao tác xử lý khi trình chiếu tài liệu, chứng cứ, từ đó tự rút kinh nghiệm cho mình, chia sẻ với đồng nghiệp để cùng nhau ngày càng thực hiện tốt công tác này.  

Anh Minh