Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng nhằm đánh giá toàn diện việc tổ chức triển khai thực hiện; đánh giá mức độ đạt được mục tiêu; việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong CLQG và Kế hoạch thực thi UNCAC trên phạm vi cả nước kể từ khi ban hành CLQG đến nay. 

Đồng thời làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; từ đó kiến nghị các nguyên tắc mục tiêu, giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện cho giai đoạn 2020-2030 đạt hiệu quả cao.

Cũng theo Kế hoạch, việc tổng kết CLQG và Kế hoạch thực thi UNCAC phải bảo đảm toàn diện và sâu sắc; trên cơ sở đánh giá cụ thể kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTN tại Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; tập trung đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020, đồng thời rà soát, đánh giá phù hợp, tương thích pháp luật Việt Nam đối với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, việc tổ chức tổng kết phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, tiết kiệm; phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan; dựa trên kết quả tự đánh giá, tổng kết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả khảo sát, đánh giá của cấp trên đối với cấp dưới, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và các kết quả nghiên cứu, đánh giá có liên quan của các chuyên gia, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế.

Về nội dung tổng kết, theo Kế hoạch bao gồm: Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN; tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức trong PCTN.

Các kết quả khác đã thực hiện để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; hiệu quả và chất lượng thực hiện.

Việc phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Tình hình, kết quả và đánh giá việc tuyên truyền, phổ biến Chiến lược quốc gia PCTN, pháp luật về PCTN và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Đánh giá những bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật và những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.

Trong thực hiện các nhóm giải pháp, Kế hoạch nêu rõ: Nêu cụ thể những kết quả đã đạt được theo từng nhóm giải pháp, những việc chưa làm được, cũng như những khó khăn, hạn chế, tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân.

Trong đó chú trọng phân tích sâu một số nội dung như: Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật.

Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, một nội dung tổng kết khác đó là: Việc nội luật hóa, thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và công tác hợp tác quốc tế về PCTN.

Trong tổ chức thực hiện, Kế hoạch phân công Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, VKSND tối cao, TAND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp xây dựng chuyên đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng”.

P.V