Đang kiểm toán nhiều dự án theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2019.

Báo cáo cho biết, theo kế hoạch tính đến ngày 30/9/2019, Kiểm toán nhà nước thực hiện 209 cuộc kiểm toán, được tổ chức thành 227 đoàn kiểm toán, đã triển khai 214 đoàn kiểm toán, trong đó 147 đoàn kiểm toán đã kết thúc.

Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của các cuộc kiểm toán đến ngày 30/9/2019 là 61.732 tỷ đồng (trong đó tăng thu 6.197 tỷ đồng, giảm chi 12.842 tỷ đồng). Qua kết quả kiểm toán, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 36 văn bản (4 thông tư, 4 nghị quyết, 10 quyết định, 18 văn bản khác) nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, về tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước nhằm tránh thật thoát, lãng phí.

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán...

Đặc biệt, thực hiện chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Kiểm toán nhà nước đang tiến hành kiểm toán dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình theo kế hoạch kiểm toán năm 2019.

leftcenterrightdel
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu KTNN  kiểm toán dự án nhà máy Đạm Ninh Bình 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực đề nghị Kiểm toán nhà nước kiểm toán các nội dung theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.HCM), Kiểm toán nhà nước đã có văn bản gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính để phối hợp cung cấp thông tin xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán, đồng thời tránh sự chồng chéo, trùng lắp nội dung trong kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Về kết quả kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cập nhật đến 30/9/2019, số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện của các đơn vị được kiểm toán (kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách 2017) là 56.010 tỷ đồng, đạt 60,6% tổng số kiến nghị; cao hơn cùng kỳ năm trước (số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện đến 30/9/2018 là 50.020 tỷ đồng, đạt 55,1% tổng số kiến nghị).

KTNN cũng cung cấp 41 bộ hồ sơ báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra trung ương, Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Cũng theo báo cáo của KTNN gửi Quốc hội, thực hiện chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, KTNN đang tiến hành kiểm toán dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước và dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, KTNN đã có văn bản gửi Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính để phối hợp cung cấp thông tin xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán các nội dung theo kiến nghị tại kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).

Làm giả hồ sơ vay hàng nghìn tỉ đồng của VDB

Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cũng cho biết, thông qua kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2019, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm được phát hiện tại các báo cáo kiểm toán.

Kiểm toán nhà nước cũng đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, công văn số 681 ngày 3/6/2019 Kiểm toán nhà nước gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam và Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay trái quy định được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đối với 2 vụ chuyển hồ sơ nêu trên, ngày 12/9/2019 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có Văn bản số 1298/ANĐT-P4  thông báo việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Cụ thể là vụ việc Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỉ đồng.

Và vụ việc Công ty TNHH xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỉ đồng, trong khi đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay.

Cả hai vụ việc đều đã được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo tiếp nhận, xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của KTNN.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hiện đang là chủ nợ của nhiều dự án nghìn tỉ thua lỗ, khó khăn về tài chính. Qua kiểm toán Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hình sự.

 

Ngọc Anh