Sáng nay 31/10, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày để các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020
Nói về mối nguy cơ thiếu an toàn của môi trường hành nghề y tế, cụ thể là vấn đề hành hung, bạo lực tại các cơ sở y tế. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho biết: Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến năm 2017, có 22 vụ hành hung y, bác sỹ. Trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ, điều dưỡng.
“Thật không quá khi đồng nghiệp của tôi nhận định rằng đây thực sự là một nghề nguy hiểm. Hậu quả của các vụ hành hung từ gây hư hại tài sản của cơ sở y tế đến gây tổn hại đến sức khỏe tâm lý nhân viên y tế. Thậm chí có cán bộ y tế phải bỏ mạng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân”, bà Nguyệt nói.
Vị đại biểu tỉnh Hưng Yên đề xuất cần tổ chức các lớp tập huấn về giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý cho các cán bộ y tế. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp an ninh tại các vị trí có nguy cơ cao về mất an ninh trật tự.
Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) phát biểu về vấn đề tự chủ tại bệnh viện công lập. Theo bà Hằng, thực hiện cơ chế tự chủ đem lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc.
Thứ nhất, các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên chưa được phân quyền tự chủ trong việc chi trả tiền lương dẫn đến khó khăn trong việc giữ các bác sỹ giỏi và có năng lực.
Thứ hai, việc thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.
Thứ ba, quy định về tỷ lệ nhân viên y tế trên số giường bệnh không còn phù hợp.
Bà Hằng đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Đồng thời, đại biểu mong muốn Bộ Y tế và các bộ liên quan tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý./.