VKSND tối cao cho biết, chiều ngày 12/11/2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (Luật sửa đổi, bổ sung BLTTHS), trong đó, tại Khoản 2, 5 và 6 Điều 1 Luật đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 148, Khoản 1 Điều 229, Khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; căn cứ tạm đình chỉ điều tra; và căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng sẽ phát sinh trong thời gian tới. 

Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý làm căn cứ giải quyết những khó khăn, vướng mắc thời gian qua; đồng thời, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này, bởi vì khi không thể tiến hành được các hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc thì có căn cứ pháp luật để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Để bảo đảm việc áp dụng các căn cứ nêu trên được chặt chẽ, thống nhất, tránh lạm dụng, Luật đã giao cho Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

Do đó, việc xây dựng Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” theo theo Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 BLTTHS là hết sức cần thiết để bảo đảm việc áp dụng các căn cứ nêu trên được chặt chẽ, thống nhất, tránh lạm dụng.

Theo VKSND tối cao, việc xây dựng Thông tư liên tịch phải có nội dung hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, không để xảy ra tình trạng lạm dụng; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng Thông tư liên tịch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về nội dung, dự thảo Thông tư liên tịch gồm 6 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Trong đó, đối tượng áp dụng bao gồm: CQĐT các cấp của CAND, CQĐT các cấp trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, CQĐT Viện kiểm sát quân sự Trung ương; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 BLTTHS.

Thông tư liên tịch cũng áp dụng đối với VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan nêu trên; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Về nguyên tắc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, dự thảo Thông tư liên tịch nêu rõ: Khi áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 BLTTHS, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các nguyên tắc đã được xác định.

Cụ thể, tuân thủ các quy định của BLTTHS và các quy định của pháp luật khác có liên quan; chỉ áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch này mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động để kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kết thúc điều tra hoặc quyết định việc truy tố mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan; bảo đảm thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng vụ án, vụ việc cụ thể; không để xảy ra tình trạng lạm dụng. 

Đồng thời, bảo đảm kiểm soát tội phạm; hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Về nội dung tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh, theo dự thảo Thông tư liên tịch, quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng căn cứ “vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh” quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 BLTTHS để tạm đình chỉ giải quyết vụ án, vụ việc khi thuộc một trong các trường hợp sau: Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết hoặc Chủ tịch nước ra Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định của pháp luật.

Người tham gia tố tụng bị mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Người tham gia tố tụng đang bị cách ly y tế theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền do tiếp xúc với người bị mắc bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Người tham gia tố tụng đang ở vùng đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc cấm tập trung đông người, cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống dịch vào ổ dịch.

Địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự là vùng đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc cấm tập trung đông người, cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống dịch vào ổ dịch.

Đối với nội dung tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dự thảo Thông tư liên tịch nêu rõ: Quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng căn cứ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai” quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 BLTTHS để tạm đình chỉ giải quyết vụ án, vụ việc khi thuộc một trong các trường hợp sau: Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết hoặc Chủ tịch nước ra Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật.

Người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang ở vùng có thiên tai được đánh giá rủi ro ở cấp độ 4 hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự là vùng có thiên tai được đánh giá rủi ro ở cấp độ 4 hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS , VKSND tối cao đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” theo Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 BLTTHS. Để hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch, VKSND tối cao (Vụ 14) đề nghị các đơn vị trong Ngành nghiên cứu, góp ý đối với dự thảo Tờ trình, dự thảo Thông tư liên tịch; đồng thời gửi về VKSND tối cao (Vụ 14) trước ngày 19/11/2021 để kịp tổng hợp, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định.
P.V