Kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng
Theo Báo cáo Quốc hội của VKSND tối cao, năm 2021, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 534 nguồn tin tội phạm về tham nhũng; thông qua giải quyết 453 tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố 201 vụ án; Đã thu hồi hơn 2.032 tỉ đồng; phong tỏa tài khoản 65.966,32 USD; kê biên 13 triệu cổ phiếu; kê biên 38 bất động sản;…
Điển hình một số vụ án có hiệu quả thu hồi tài sản cao, như: vụ án xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên thu giữ, kê biên, phong tỏa tài sản có giá trị hơn 138 tỉ đồng; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn thu hồi hơn 13 tỉ đồng, yêu cầu tạm dừng giao dịch đối với Dự án Phước Long B, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh với diện tích 3,6 ha, tương đương giá trị 672 tỉ đồng;...
|
|
Để truy tố các bị can, thu hồi tài sản một vụ án tham nhũng đưa ra xét xử, trong trường hợp cần thiết phải có kết quả trưng cầu giám định tư pháp. Ảnh: Văn Điệp |
Những năm gần đây, trong chủ trương phòng, chống tham nhũng, đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, mục tiêu thu hồi tài sản thất thoát của Nhà nước được chú trọng chỉ đạo. Tuy nhiên, để xác định thiệt hại và trưng cầu giám định tư pháp trong các vụ án kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để đi được đến số liệu thiệt hại chính xác, cần sự phối hợp trong giám định tài sản của nhiều bên tham gia. Để triệt để thu hồi được tài sản tham nhũng, thất thoát, việc xác định thiệt hại cần được trưng cầu giám định và có sự thống nhất từ nhiều cơ quan.
Trong khi, kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng, nhiều trường hợp không thể thiếu để Cơ quan điều tra làm căn cứ đánh giá, kết luận điều tra vụ án. Tuy nhiên, hiện nay, việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Những khó khăn, bất cập trong công tác giám định khiến việc điều tra nhiều vụ án, nhất là án kinh tế kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình tố tụng.
Hiện nay, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao đang thụ lý giải quyết nhiều vụ án thuộc thẩm quyền, cần phải trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản. Thế nhưng, nhiều vụ án thời gian giám định bị kéo dài. Thời gian chờ kết quả giám định, khiến cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật. Có vụ án gia hạn thời hạn điều tra lần hai, lần ba chỉ để chờ kết luận giám định mà không có hoạt động điều tra khác. Điều này dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật.
Điển hình như vụ Trần Phương Bình và đồng phạm vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (giai đoạn hai vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm)… Theo đó, vụ án khởi tố ngày 24/12/2018. Quá trình điều tra, do công tác giám định, định giá tài sản bảo đảm liên quan đến các khoản vay để xác định vi phạm, thiệt hại, hậu quả và diện đối tượng xử lý chậm nên phải gia hạn thời hạn điều tra lần thứ hai, thứ ba để đợi Kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự. Ngày 14/11/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra kết luận điều tra. Ngày 10/1/2020, VKSND tối cao đã truy tố các bị can và chuyển hồ sơ đến TAND TP Hồ Chí Minh để xét xử vụ án. Tuy nhiên, có một số khoản vay vẫn chưa có kết luận giám định nên Cơ quan điều tra phải tách vụ án để xử lý sau.
Theo quan điểm của một số chuyên gia pháp lý, một trong những “điểm nghẽn” của công tác giám định tư pháp hiện nay là cơ chế phối hợp giải quyết kết luận giám định tư pháp trong các vụ án kinh tế, dân sự đã gây khó khăn cho hoạt động điều tra một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.
Cần thống nhất thời điểm xác định mức độ thiệt hại
Trong hoạt động tố tụng, các “đại án” kinh tế hình sự, đặc biệt là các đại án gây thất thoát công sản, việc xác định thiệt hại là yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới xác định tội phạm, tội danh, khung hình phạt, lượng hình và việc thu hồi tài sản … Tuy nhiên, cách tính thiệt hại và việc xác định mức độ thiệt hại trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua chưa thống nhất.
|
|
Lễ ký kết quy chế phối hợp trong công tác trưng cầu giám định tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế ở tỉnh An Giang. |
Theo thông tin mới nhất từ TAND TP Hồ Chí Minh, dự kiến cuối tháng 11/2021, sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ cho thuê, giao “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, TP Hồ Chí Minh liên quan đến nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Tài. Theo đó, TAND Cấp cao sẽ xem xét đến thiệt hại tài sản “đất vàng” tại phố Lê Duẩn mà Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định kháng nghị, cũng như sẽ làm rõ trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Theo đó, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về số tiền thiệt hại và xử lý vật chứng trong vụ án. Theo kháng nghị, Viện kiểm sát cho rằng, việc HĐXX xác định thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là không phù hợp. Theo bản án sơ thẩm, thiệt hại vụ án chỉ là 252 tỉ đồng vì tại thời điểm giao đất tại số 8-12 Lê Duẩn, nếu thực hiện đúng quy định thì Nhà nước sẽ thu được 900 tỉ đồng. Tuy nhiên, do tổ chức, cá nhân giao đất trái quy định nên Nhà nước chỉ thu được 647 tỉ đồng. Đến nay, tài sản Nhà nước trong vụ án được bảo toàn, thiệt hại từ vụ án gây ra coi như được khắc phục toàn bộ nên Tòa án xem xét xử phạt dưới khung hình phạt.
Theo Viện kiểm sát, bản chất của hành vi gây thất thoát, lãng phí phải được xác định từ thời điểm giao đất, cho thuê đất trái pháp luật, dẫn đến Nhà nước bị mất quyền sử dụng, mất quyền khai thác tài sản và giá trị tăng thêm của khu đất. Vì vậy, thiệt hại phải tính đến thời điểm Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, tức là vào năm 2018, với số tiền hơn 1.927 tỉ đồng như cáo trạng của VKSND tối cao truy tố, không phải 252 tỉ đồng như Tòa án xác định.
Cũng xung quanh vấn đề xác định thiệt hại, vụ án Phan Văn Anh Vũ cùng các đồng phạm thâu tóm 7 dự án đất công sản tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, cách tính thiệt hại trong vụ án này của các cơ quan tiến hành tố tụng gây tranh cãi. Theo cáo trạng của VKSND tối cao nêu tại phiên tòa sơ thẩm, từ năm 2009 đến 2016, trên cơ sở đề xuất của bị cáo Vũ, Nguyễn Hữu Bách (Bộ Công an) đã tham mưu để Phan Hữu Tuấn (Bộ Công an) duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số cơ quan, đơn vị. Dẫn đến Phan Văn Anh Vũ được nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không qua đấu giá, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và một số ưu đãi khác… tại 7 nhà, đất công sản, dự án bất động sản.
Tổng diện tích 6.700 m2 nhà và 26.700 m2 đất. Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1.160 tỉ đồng. Con số này được tính bằng cách định giá các bất động sản trên ở thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/2/2018). Sau đó, thiệt hại của Nhà nước được tính bằng cách lấy giá trị đất, giá trị cho thuê ở thời điểm vừa nêu trừ đi số tiền thực mà hai công ty mà Vũ bỏ ra mua, thuê. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên ngày 30/1/2019 nhận định, thiệt hại là hơn 135 tỉ đồng. Tòa cho hay, Cơ quan điều tra đã yêu cầu định giá tài sản tại thời điểm hành vi phạm tội và thời điểm khởi tố vụ án.
|
|
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên toà đại án. Ảnh Trần Tâm. |
Hiện nay, ngành Kiểm sát thống nhất là xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án. Tuy nhiên, quan điểm của các cấp Tòa án thì có sự nhận định khác nhau, của chính cấp xét xử. Điển hình như vụ án liên quan đến việc thâu tóm “đất vàng” của Phan Văn Anh Vũ cùng các đồng phạm nguyên là lãnh đạo Bộ Công an thì TAND TP Hà Nội xác định thiệt hại tại thời điểm phạm tội hoàn thành. Trong khi, vụ án cũng liên quan đến việc thâu tóm “đất vàng” của Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm là 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thì TAND TP Hà Nội lại xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án. Chính việc chưa thống nhất quan điểm về thời điểm xác định thiệt hại đã dẫn đến việc định giá thiệt hại của vụ án có sự “vênh” nhau về con số.
Nhiều ý kiến của chuyên gia pháp luật cho rằng: Trong khi, đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thì việc xác minh và chứng minh động cơ vụ lợi của các bị cáo cần được làm rõ. Căn cứ để xác định cấu thành hành vi phạm tội, định khung tăng nặng hay giảm nhẹ liên quan đến việc có thiệt hại hay không thiệt hại. Thực tế, những thiệt hại này tính được bằng tiền, và sau khi hành vi phạm tội hoàn thành thì thiệt hại vẫn xảy ra. Trường hợp giá trị thiệt hại phát sinh, chính là mục đích hướng tới của các bị can, bị cáo: Giá trị gia tăng của bất động sản; tiền lãi ngân hàng… Chính vì lẽ đó mà công tác giám định tư pháp để xác định thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết triệt để các vụ án, rất cần sự phối hợp, thống nhất của các cơ quan liên quan.
Liên ngành VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP (ngày 13/12/2017), quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp khi giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế.
Theo đó, bên cạnh những trường hợp bắt buộc tại Điều 206 BLTTHS 2015 thì khi giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế, việc trưng cầu giám định tư pháp cần thiết phải thực hiện trong những trường hợp sau: Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm; Khi cần truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử; Khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ cân đo, đong đếm và các máy móc, thiết bị khác; Khi cần xác định hành vi vi phạm trong đầu tư (như về đấu thầu, về lập thẩm định quyết định...); Khi gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra; Khi xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế, kế toán, bảo hiểm, đất đai và các lĩnh vực khác mà xét thấy cần thiết phải thực hiện việc giám định.
|
Tiến sĩ Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương: VKSND tối cao cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan tố tụng trong giám định, định giá tài sản
Đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng thời gian qua tuy đã có những bước tiến, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, tham nhũng trong nhiều lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc cho người dân.
Qua thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, VKSND tối cao đã góp phần quan trọng làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của VKSND tối cao trong giai đoạn tố tụng các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, VKSND tối cao cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng, nhất là phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu..., giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
|
Đồng chí Nguyễn Mạnh Thường, Phó Vụ trưởng Vụ 5, VKSND tối cao: Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên, Giám định viên thống nhất nội dung trưng cầu giám định
Trong việc xác định thiệt hại và trưng cầu giám định, trước đây, Kiểm sát viên (KSV) chỉ kiểm sát sau khi Cơ quan điều tra chuyển giao bản Kết luận giám định, định giá tài sản Giám định viên đã ban hành. Dẫn đến, không kiểm sát được nội dung trưng cầu, định giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều tra của Điều tra viên (ĐTV) và định hướng điều tra của Cơ quan điều tra.
Do đó, KSV phải chủ động thống nhất với ĐTV về việc xác định thiệt hại trên cơ sở phân tích được hành vi của bị can so với tội danh đã phê chuẩn khởi tố điều tra, gắn trực tiếp với thiệt hại xảy ra hoặc là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả thiệt hại; trong đó, lưu ý mối quan hệ trực tiếp giữa động cơ, mục đích với hành vi khách quan thể hiện là đã cố ý thực hiện hành vi làm trái để tư lợi, hưởng lợi hoặc để chiếm đoạt hoặc gây thất thoát tài sản. KSV cũng phải tham gia trực tiếp vào nội dung dự thảo trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra.
Mặt khác, trong quá trình giám định, KSV phải phối hợp với ĐTV trao đổi với Giám định viên để thống nhất nội dung trưng cầu và tài liệu cung cấp giám định. Trước khi ban hành Kết luận giám định, KSV phải yêu cầu Giám định viên chuyển bản dự thảo để cùng ĐTV nghiên cứu, có ý kiến phản hồi nhằm bảo đảm việc kết luận chính xác, có ý nghĩa chứng minh tội phạm.
Đặc biệt, Giám định viên phải kết luận rõ hậu quả của việc có thiệt hại hoặc gây thất thoát xuất phát từ lỗi cụ thể thuộc về trách nhiệm của cá nhân nào? Nằm ở quy trình thực hiện nào trong tổng thể các sai phạm đã được điều tra? Đây là căn cứ pháp lý khi định tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can trong vụ án.
|
Luật sư Lâm Văn Quang, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Dân Chính - Đoàn luật sư TP. Hà Nội: Cần có chế tài xử lý tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giám định
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng và các tội phạm về kinh tế trong tình hình mới thì pháp luật về giám định tư pháp còn một số vướng mắc.
Giám định tài sản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng liên quan đến các vụ án mặc dù đã có Văn bản hướng dẫn Luật Giám định tư pháp, nhưng trong một số trường hợp cá biệt quy định còn chưa rõ ràng về thời hạn giám định, cách đánh giá, sử dụng kết luận giám định, dẫn đến việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định liên quan đến tài sản, lĩnh vực tài chính, ngân hàng một số vụ việc còn lúng túng. Mặt khác, còn thiếu chế tài xử lý đối với việc trưng cầu giám định và thực hiện giám định dẫn đến một số trường hợp còn đùn đẩy, chậm trễ thực hiện giám định, kết luận giám định; việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu chứng minh tội phạm, nhất là trong lĩnh vực giám định không có tổ chức chuyên trách như: tài chính, ngân hàng, môi trường, giao thông, khoa học công nghệ... nên việc giám định bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giám định, hoặc kết luận giám định về cùng một vấn đề được trưng cầu có kết luận khác nhau, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử.
Về thời hạn giám định: Luật Giám định tư pháp phân làm hai trường hợp giám định bắt buộc và không thuộc trường hợp giám định bắt buộc.
Riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng không thuộc đối tượng giám định bắt buộc, thì thời hạn giám định ghi trong quyết định trưng cầu giám định theo khoản 2 Điều 208 Bộ luật tố tụng Hình sự, còn theo khoản 3 Điều 23 Luật Giám định tư pháp quy định thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc diện giám định bắt buộc thì thời hạn tối đa là 3 tháng. Như vậy, trên thực tế sẽ có cách hiểu khác nhau về thời hạn giám định đối với các đối tượng giám định không bắt buộc.
Vì thế, cần có văn bản hướng dẫn bổ sung thời hạn giám định, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định và quy định chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân từ chối thực hiện giám định không có lý do chính đáng, chậm trễ, kéo dài, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giám định, kết luận giám định không đúng sự thật hoặc không khách quan, có sai lệch do lỗi chủ quan trong kết luận giám định làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án.
|