Đây là một trong những nội dung được nêu tại dự thảo Thông tư quy định về giám định viên lĩnh vực kỹ thuật hình sự; tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giám định viên, người giúp việc giám định viên lĩnh vực kỹ thuật hình sự, pháp y trong CAND; công bố tổ chức, người giám định theo vụ việc trong CAND đang được Bộ Công an lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên kỹ thuật hình sự, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp.
Cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Công an thực hiện việc bổ nhiệm chức danh giám định viên, người giúp việc giám định viên lĩnh vực kỹ thuật hình sự và pháp y trong CAND; công bố tổ chức, người giám định theo vụ việc trong CAND.
Theo dự thảo Thông tư, giám định viên kỹ thuật hình sự bao gồm: Giám định viên dấu vết đường vân; Giám định viên dấu vết cơ học; Giám định viên súng, đạn; Giám định viên tài liệu; Giám định viên cháy, nổ; Giám định viên kỹ thuật; Giám định viên âm thanh; Giám định viên sinh học; Giám định viên hoá học; Giám định viên kỹ thuật số và điện tử.
|
|
Giám định viên thực hiện giám định tư pháp . (Ảnh minh họa) |
Về tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự, dự thảo Thông tư nêu rõ, tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự theo Khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp. Cụ thể, là sĩ quan nghiệp vụ Công an, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ, công chức thuộc VKSND tối cao; có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt.
Có trình độ đại học trở lên được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo từ đủ 3 năm trở lên (không tính thời gian tham gia học các loại hình đào tạo trong giờ hành chính) sau khi tốt nghiệp đại học thuộc chuyên ngành đề nghị bổ nhiệm giám định viên.
Có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ giám định ở chuyên ngành được đề nghị bổ nhiệm do Viện Khoa học hình sự hoặc cơ quan Khoa học hình sự ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập cấp.
Dự thảo Thông tư ngoài đề cập đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự tại Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thì cũng nêu rõ nội dung này tại Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao.
Theo đó, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp, Điều 4 Thông tư này; rà soát các trường hợp miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp, báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự theo từng chuyên ngành cụ thể tại Khoản 7, Khoản 10 Điều 3 Thông tư này thuộc Phòng Giám định kỹ thuật hình sự VKSND tối cao và gửi hồ sơ qua Viện Khoa học hình sự. Viện khoa học hình sự có trách nhiệm kiểm tra hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao có trách nhiệm giúp VKSND tối cao lập, đăng tải danh sách giám định viên kỹ thuật hình sự trên cổng thông tin điện tử của Viện, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập, điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Thông tư còn quy định về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự; Thẻ giám định viên kỹ thuật hình sự; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên kỹ thuật hình sự; chức danh giám định viên, người giúp việc giám định viên lĩnh vực kỹ thuật hình sự và pháp y trong CAND; công bố tổ chức, người giám định theo vụ việc trong CAND…