Kiểm sát hàng triệu vụ việc, bản án dân sự 

Ngày 15/10/2021, TAND tỉnh Hải Dương mở phiên xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp dân sự giữa nguyên đơn là anh H khởi kiện yêu cầu anh D - chị N trả lại tài sản. Phiên tòa được mở theo kháng nghị của VKSND huyện Bình Giang. Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, anh D - chị N ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Kim Anh đối với Ngân hàng Agribank, chi nhánh huyện Cẩm Giàng. Năm 2018, do Công ty Kim Anh không có khả năng thanh toán nên Ngân hàng Agribank đã thu giữ, xử lý tài sản thu hồi nợ. Ngân hàng Agribank ủy quyền cho Công ty Thắng Lợi bán đấu giá tài sản. Ngày 13/8/2018, Công ty Thắng Lợi tổ chức đấu giá tài sản, anh H là người trúng đấu giá. Đến ngày 24/8/2018, anh H được UBND huyện Bình Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số CN 884078, nhưng anh D và chị N không giao tài sản trúng đấu giá là nhà, đất cho anh H. Anh H có đơn kiện đòi tài sản gửi TAND huyện Bình Giang. Ngày 16/4/2021, TAND huyện Bình Giang ra phán quyết sơ thẩm: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh H, buộc anh D, chị N phải hoàn trả cho anh H tài sản nói trên.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến tại một phiên tòa dân sự. 

Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả kiểm sát giải quyết vụ án và các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, VKSND huyện Bình Giang nhận định, bản án và phản quyết của TAND huyện Bình Giang có nhiều vi phạm. Theo VKSND huyện Bình Giang, ngày 17/12/2020, Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản tranh chấp. Do anh D không hợp tác nên Tòa án đã lập biên bản về việc không tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ được. Sau đó, Tòa án không áp dụng các biện pháp cần thiết để xem xét, thẩm định tại chỗ nhằm thu thập đầy đủ chứng cứ là chưa thực hiện đúng tinh thần hướng dẫn tại khoản 6 Điều 9 Nghị quyết số 04 ngày 3/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Việc Thẩm phán chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án là chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), làm cho việc giải quyết vụ án không chính xác, chưa xác định được cụ thể tài sản tranh chấp nên tuyên án không rõ ràng.

Bên cạnh đó, quá trình giải quyết vụ án, anh H nộp bản sao GCNQSDĐ mang tên anh. Anh D xác định anh là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với nhà, đất đang tranh chấp và anh yêu cầu hủy GCNQSDĐ do UBND huyện Bình Giang cấp cho anh H. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không thu thập các tài liệu, chứng cứ để làm rõ nguồn gốc đất, tính hợp pháp của GCNQSDĐ mang tên anh H, không đưa Ngân hàng Agribank và UBND huyện Bình Giang vào tham gia tố tụng là thu thập thiếu chứng cứ và đưa thiếu người tham gia tố tụng.

Đặc biệt, theo kết quả thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát thì nhà anh D giáp nhà anh V.X.K. và chung tường, bức tường này do anh D xây dựng trên đất nhà anh D, mái nhà anh K gác nhờ lên bức tường nhà anh D. Như vậy, anh K là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi Tòa án giải quyết tranh chấp giữa anh H và anh D - chị N. Tòa án không đưa anh K vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Từ quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, phát hiện nhiều vi phạm, VKSND huyện Bình Giang đã ban hành kháng nghị phúc thẩm. Tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Hải Dương đã chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Đây là 1 trong rất nhiều vụ án, mà những vi phạm của cấp Tòa án làm ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, những vi phạm được Viện kiểm sát phát hiện kịp thời trong quá trình kiểm sát. Những năm gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo VKSND tối cao, coi công tác kiểm sát dân sự là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm; Viện kiểm sát các cấp hàng năm đã chọn các khâu đột phá, đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng của công tác kiểm sát dân sự. 

Theo nội dung báo cáo sơ kết 5 năm thi hành BLTTDS năm 2015: Toàn ngành đã kiểm sát thụ lý 1.709.602 vụ việc sơ thẩm, phúc thẩm. VKSND cấp cao và VKSND tối cao đã giải quyết 14.817 vụ việc ở cấp giám đốc thẩm, tái thẩm. Kiểm sát viên tham gia 308.026 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (đạt 100%). Toàn Ngành đã kiểm sát 1.499.780 bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự sơ thẩm (đạt 100%). Ban hành 7.004 kháng nghị phúc thẩm; Tòa án đã xét xử 6.255 vụ việc do Viện kiểm sát kháng nghị và chấp nhận 5.543 kháng nghị (88,6%), vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

leftcenterrightdel
Phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án Dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ở Phù Ninh (Phú Thọ). 

Đặc biệt, toàn Ngành đã kiểm sát 58.644 bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự phúc thẩm, ban hành 1.394 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án đã xét xử 1.214 vụ theo kháng nghị, chấp nhận 1.007 kháng nghị. Đồng thời, ban hành 8.705 kiến nghị đối với Tòa án và các cơ quan, tổ chức khác, trong đó: kiến nghị được chấp nhận 8.677. Ban hành 9.674.041 văn bản yêu cầu đối với Tòa án các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp cao tổ chức 13.378 phiên tòa rút kinh nghiệm.

Chú trọng công tác kiểm sát các vụ việc dân sự, vụ án hành chính

Nhận định, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính là công tác có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó, ngành Kiểm sát ngày càng chú trọng thực hiện công tác này. Vì vậy, sau khi BLTTDS 2015 được Quốc hội thông qua, VKSND tối cao đã chủ trì, phối hợp với TAND tối cao xây dựng Thông tư liên tịch số 02/TTLT-VKSTC-TANDTC ngày 31/8/2016 và phối hợp với TAND tối cao xây dựng 9 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành BLTTDS.  VKSND tối cao đã ban hành 42 văn bản, bao gồm các chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, quy trình, 7 văn bản giải đáp khó khăn, vướng mắc và 50 văn bản trả lời thỉnh thị VKSND cấp dưới. 

Đặc biệt, VKSND tối cao đã ban hành nhiều hướng dẫn về kỹ năng nghiệp vụ, như: “Hướng dẫn số 20/HD-VKSTC ngày 23/2/2021 về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”; “Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 12/5/2021 về một số nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế”; “Hướng dẫn số 31/HD-VKSTC ngày 25/8/2021 về kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp xét xử vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và vụ án hành chính; “Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 26/8/2020 một số nội dung trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà”. 

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu: Thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục xác định khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Viện trưởng VKSND các cấp nhận thức đúng, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát và trực tiếp phụ trách công tác này. VKSND các cấp cần đề ra biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả; thực hiện tốt thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, bảo đảm số lượng và chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Mặt khác, qua thực tiễn thi hành, cần tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong giải quyết án dân sự, hành chính; tăng cường tập huấn, cập nhật nội dung mới của pháp luật liên quan đến án dân sự, hành chính; tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác. 

Đồng chí Hồ Ánh Tuyết, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang: Kiên quyết thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát

Trong tố tụng dân sự, đương sự có quyền quyết định và tự định đoạt, hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước kể cả Tòa án và Viện kiểm sát. Theo thống kê các vụ việc Tòa án đưa ra giải quyết không thông qua con đường xét xử mà thông qua con đường hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận - Đồng chí Hồ Ánh Tuyết, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hậu Giang: Kiên quyết thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát

Tòa án chỉ quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, không có kháng cáo, kháng nghị đối với những trường hợp này. Phương thức hòa giải được thực hiện trong suốt quá trình tố tụng, ngay cả khi vụ án đã được thụ lý bằng tố tụng xét xử, nếu xuất hiện khả năng các đương sự tự thỏa thuận thì Tòa án cũng thực hiện ngay việc hòa giải.

Do đó, khi tham gia phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên cần tập trung làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nhất là quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ việc dân sự. Đối với những việc khác, Kiểm sát viên cũng phải bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, trên nguyên tắc quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự. Khi thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm trong tố tụng dân sự, đặc biệt là quyền kháng nghị, Viện kiểm sát hai cấp phải xem xét thận trọng, bảo đảm căn cứ pháp lý, tôn trọng tối đa quyền quyết định, tự định đoạt của các đương sự, bảo đảm mọi hoạt động thực hiện thẩm quyền của Viện kiểm sát đều xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

 Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn theo quy định của BLTTDS, BLDS năm 2015 và các quy định khác có liên quan một cách hiệu quả. Kiểm sát viên khi tham gia kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự phải công tâm, khách quan, thận trọng trong nghiên cứu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ và việc áp dụng pháp luật của Tòa án; kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn tố tụng, khắc phục triệt để việc để các vụ việc dân sự quá thời hạn xét xử hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng do lỗi chủ quan của Kiểm sát viên; thực hiện tốt trách nhiệm tham gia phiên tòa, phiên họp theo luật định; kiên quyết và làm tốt việc thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đã được quy định trong Luật Tổ chức VKSND. 

 

Đồng chí Vương Văn Bép, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9), VKSND tối cao: Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật

Thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát đã triển khai, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

 Qua công tác sơ kết, ngành Kiểm sát cũng có một số những kiến nghị. Trong đó, kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật, cần sửa đổi, bổ sung các điều luật liên quan đến thực hiện chức năng của Viện kiểm sát: Quy định thời hạn gửi thông báo trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu kèm theo bản sao các tài liệu, chứng cứ cho Viện kiểm sát cùng cấp; Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát, theo hướng tăng thời gian nghiên cứu hồ sơ của VKS; nội dung về việc Kiểm sát viên vắng mặt thì HĐXX phải hoãn phiên tòa, phiên họp; Kiểm sát viên có quyền được ghi âm, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa... Đề nghị bổ sung quy định về việc tham gia trực tiếp của đại diện Viện kiểm sát trong hoạt động thẩm định tại chỗ và định giá tài sản...

Bên cạnh đó, cần kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), giao TAND tối cao chủ trì, phối hợp với VKSND tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác tiến hành các hoạt động xây dựng sửa đổi, bổ sung Bộ luật. Kịp thời giải thích một số quy định của BLTTDS theo đề nghị, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền để thống nhất thực hiện. 

Kiến nghị với Chính phủ, chỉ đạo UBND cấp tỉnh thực hiện hoặc yêu cầu cơ quan chuyên môn cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, nhất là các vụ việc liên quan đến quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở khi Viện kiểm sát có yêu cầu; Chỉ đạo UBND cấp tỉnh tham gia hoặc ủy quyền cho người có thẩm quyền phải tham gia đầy đủ các phiên tòa trong trường hợp vụ án có liên quan đến việc xem xét hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND.

 Kiến nghị Chánh án TAND tối cao hướng dẫn rõ một số quy định trong BLTTDS năm 2015 như “nghiêm trọng”, “ít nghiêm trọng”, “các tranh chấp khác”, “các yêu cầu khác” hoặc “các trường hợp khác”, “gửi ngay”...

 

Đồng chí  Dương Xuân Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

“Số lượng các vụ việc ngày một tăng, trong khi biên chế lại giảm, việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật lại có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, quan hệ tranh chấp đa dạng và phức tạp... đã tạo áp lực không nhỏ đối với đơn vị.”- Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận Dương Xuân Sơn chia sẻ.

Để giải quyết những khó khăn trên, VKSND tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo, quán triệt các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ những kinh nghiệm mà VKSND tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện trưởng Dương Xuân Sơn cho biết: VKSND 2 cấp tỉnh Bình Thuận luôn coi trọng việc bố trí Kiểm sát viên, cán bộ làm công tác này dựa trên năng lực, sở trường và kinh nghiệm công tác thực tiễn; gắn với việc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện được giao, kịp thời phát hiện sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục và rút kinh nghiệm; phân công Kiểm sát viên sơ cấp, cán bộ giúp việc cho nhiều Kiểm sát viên trung cấp, qua đó đã tạo điều kiện cho việc trao đổi kinh nghiệm. “Đến nay cơ bản Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị đều hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận cho hay.

Đơn vị cũng chú trọng hoạt động đề ra yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các mâu thuẫn trong hồ sơ vụ việc, theo quy định của luật tố tụng. Nếu thấy còn vấn đề thiếu sót, chưa đầy đủ cần phải làm rõ, bổ sung thì chủ động yêu cầu Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc tiếp tục làm rõ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc đúng pháp luật. Các yêu cầu thu thập bổ sung chứng cứ xác đáng nên được chấp nhận; hầu hết các cuộc xem xét, thẩm định tại chỗ do Tòa án tiến hành đều được thông báo để Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên thực hiện việc kiểm sát trực tiếp; các vụ việc phức tạp Tòa án chủ động cung cấp tài liệu để Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời gian dài hơn thời hạn quy định của luật tố tụng...

Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ, thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn theo chuyên đề, rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát...; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để báo cáo Viện kiểm sát cấp trên hướng dẫn thực hiện... góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nghiệp vụ trong ngành KSND.


Nhóm PV