Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở (1998-2021) đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng và tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta, nhất là cấp cơ sở, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước. 

Việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã làm chuyển biến một bước về ý thức, đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân hơn; vai trò của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được phát huy thông qua việc đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp. 

Cùng với đó, việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc của doanh nghiệp đã bảo đảm quyền của người lao động được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và được quyết định; từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng phát triển, cải thiện đời sống của người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai trong thời gian qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy các quy định về dân chủ ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật.

Cũng theo cơ quan chủ trì, việc nghiên cứu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền dân chủ của nhân dân; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện hành.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 56 điều. Trong đó có những điểm mới như: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình, dự thảo Luật đã quy định theo hướng bổ sung các nội dung mà chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi để người dân được biết, tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã phù hợp với quy định của Luật tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định về quyền của nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để nhân dân bàn và quyết định; đồng thời, quy định về trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng…

Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Không thực hiện hoặc làm trái các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa, trù dập người thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bao che, cản trở hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc; gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Đáng chú ý, về điều khoản áp dụng, dự thảo Luật nêu rõ, ngoài các nội dung phải được công khai, nội dung phải được lấy ý kiến và nội dung kiểm tra, giám sát quy định tại Luật này, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ thực tiễn tổ chức, hoạt động của mình để mở rộng phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Khuyến khích cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính tổ chức đối thoại, lấy ý kiến nhân dân trong trường hợp ban hành quyết định hành chính bất lợi cho đối tượng thi hành hoặc quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích cộng đồng theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đồng thời, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động hành chính trong hệ thống cơ quan TAND, VKSND.

P.V