Xác định phạm vi mở phiên tòa trực tuyến
TAND tối cao vừa có dự thảo Thông tư (lần 2) ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, Quy chế này quy định về phạm vi, nguyên tắc tổ chức; điều kiện; chuẩn bị phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự; vụ án hành chính; vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trực tuyến.
Quy chế được áp dụng đối với các Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, công chức Tòa án và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan khi tham gia xét xử trực tuyến.
Theo dự thảo Quy chế, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo các nguyên tắc đó là: Tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.
Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự và người tham gia tố tụng; bảo đảm bí mật, an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm các yêu cầu về trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án; bảo đảm việc xét xử, giải quyết được tiến hành công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật.
Về phạm vi mở phiên tòa trực tuyến, dự thảo Quy chế nêu rõ: Xét xử sơ thẩm đối với vụ án hình sự mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ.
Xét xử phúc thẩm đối với vụ án hình sự mà bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án dân sự, hành chính có tính chất đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, các đương sự có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng.
Bên cạnh đó, dự thảo Quy chế cũng quy định, không mở phiên tòa trực tuyến đối với vụ việc quy định tại Điều 4 của Thông tư này khi thuộc một trong các trường hợp gồm: Vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài.
Vụ án hình sự bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXV, Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.
Vụ án hình sự, hành chính, dân sự thuộc trường hợp có thể xét xử kín theo quy định của pháp luật tố tụng.
Quy định cụ thể điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với vụ án hình sự quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 của Thông tư này được thực hiện khi có đủ các điều kiện đó là: Bị cáo có đơn, cơ sở giam giữ có văn bản đề nghị tổ chức phiên tòa trực tuyến.
|
|
VKSND tỉnh Nghệ An phối hợp với TAND tỉnh tổ chức xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ) |
Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị đương sự, bị hại, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm thì phải có đơn hoặc văn bản đề nghị tổ chức phiên tòa phúc thẩm trực tuyến của đương sự, bị hại, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đối với vụ án hình sự còn phải có đề nghị của bị cáo, cơ sở giam giữ.
Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng có văn bản đồng ý xét xử trực tuyến.
Bảo đảm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Thông tư này.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với vụ án hành chính, dân sự định tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư này được thực hiện khi có đủ các điều kiện đó là: Các đương sự có đơn đề nghị mở phiên tòa trực tuyến.
Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng có văn bản đồng ý mở phiên tòa trực tuyến; bảo đảm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 7, Điều 8 của Thông tư này.
Về thông báo về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, dự kiến ít nhất 7 ngày trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải xem xét, đánh giá nếu vụ việc thuộc trường hợp được tổ chức phiên tòa trực tuyến thì thông báo cho bị cáo, bị hại, đương sự, cơ sở giam giữ trong thời hạn 3 ngày làm việc gửi văn bản đề nghị của mình về ý kiến mở phiên tòa trực tuyến đến Tòa án.
Sau khi bị cáo, bị hại, đương sự, cơ sở giam giữ có văn bản đề nghị mở phiên tòa trực tuyến, Tòa án gửi văn bản dự kiến tổ chức phiên tòa trực tuyến đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để có ý kiến.
Văn bản dự kiến tổ chức phiên tòa trực tuyến nêu rõ cơ sở đề nghị và đề nghị Viện kiểm sát trong thời hạn 3 ngày làm việc có ý kiến về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu Viện kiểm sát có văn bản đồng ý. Quyết định này ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật tố tụng và phải ghi rõ phiên tòa được tổ chức trực tuyến; điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần.
Thành phần tham gia tại điểm cầu trung tâm gồm: Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc xét xử vụ án/Kiểm sát viên kiểm sát việc xét xử, giải quyết vụ việc, đương sự, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có).
Trường hợp phiên tòa được tổ chức công khai thì Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cá nhân, cơ quan, tổ chức tham dự phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.
Theo TAND tối cao, phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các điểm cầu, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm. |