Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và khoản 4 Điều 58, Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi kiểm sát việc xét xử các vụ án dân sự tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu về việc giải quyết vụ án.
Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự có căn cứ, đúng pháp luật, và đồng thời còn thể hiện rõ trình độ, năng lực và trách nhiệm của Kiểm sát viên.
|
KSV tham gia phiên tòa dân sự (Ảnh: Duy Phương) |
|
Thời gian qua, hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa dân sự sơ thẩm cơ bản được thực hiện tốt, góp phần nâng cao vai trò, vị trí, hình ảnh của ngành Kiểm sát. Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy rằng, còn không ít Kiểm sát viên phát biểu chưa đạt yêu cầu, chưa đầy đủ, chung chung; tư thế, tác phong, lời nói, thái độ chưa đúng Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa…
Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, theo chúng tôi, Kiểm sát viên cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, chuẩn bị chu đáo dự thảo bài phát biểu, thực hành phát biểu trước khi tham gia phiên tòa.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên tiến hành xây dựng dự thảo bài phát biểu. Về hình thức, bài phát biểu của Kiểm sát viên phải theo đúng mẫu số 24 ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của VKSND tối cao.
Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và người tham gia tố tụng: Kiểm sát viên phải đánh giá lần lượt việc chấp hành pháp luật của từng chủ thể, chỉ rõ chủ thể đã chấp hành đúng nội dung gì, vi phạm nội dung gì, điều khoản của văn bản pháp luật bị vi phạm, như: Tòa án thụ lý vụ án vào ngày 4/1/2021 nhưng đến ngày 13/1/2021, Thẩm phán mới thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn và Viện kiểm sát cùng cấp, thế là chậm 3 ngày làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 196 BLTTDS 2015; Thẩm phán đã tiến hành hoạt động lấy lời khai đương sự, đối chất đúng quy định tại Điều 98, 100 BLTTDS 2015.
Về quan điểm giải quyết vụ án: Dự thảo bài phát biểu phải tóm tắt yêu cầu của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, rồi phân tích, đánh giá yêu cầu nào đúng quy định, yêu cầu nào không đúng quy định của pháp luật, viện dẫn căn cứ pháp luật cụ thể, đầy đủ để đề nghị Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận các yêu cầu của đương sự.
Khi viết xong dự thảo bài phát biểu, Kiểm sát viên cần tra soát nhiều lần nhằm phát hiện, sữa chữa hết các thiếu sót. Nếu vụ án có nhiều Kiểm sát viên tham gia, thì mỗi người đều phải đọc kỹ dự thảo, sửa đi sửa lại sao cho chính xác nhất, vì một người không thể thấy hết các vấn đề. Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo để xem, giúp chỉnh sữa, bổ sung dự thảo bài phát biểu, để mà học kinh nghiệm.
Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên cũng cần tự mình thực hành việc phát biểu. Việc này giúp Kiểm sát viên nắm vững hồ sơ vụ án, kịp thời phát hiện những thiếu sót, những chỗ chưa đầy đủ để sữa chữa, bổ sung. Kiểm sát viên tự thực hành việc phát biểu còn để lưu ý trước về cách trình bày hiệu quả nhất đối với từng vấn đề (tình tiết nào cần nhấn mạnh, phân tích kỹ càng? việc ngừng nghĩ, sử dụng ngôn ngữ cơ thể)…
Thứ hai, sửa chữa, bổ sung dự thảo bài phát biểu tại phiên tòa.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải chú ý theo dõi diễn biến, kịp thời sửa chữa, bổ sung bài phát biểu cho phù hợp với thực tế, phù hợp với các tình huống mới phát sinh tại phiên tòa.
Ví dụ: trước phiên tòa, dự thảo bài phát biểu thể hiện đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình nhưng tại phiên tòa nguyên đơn sử dụng điện thoại di động khi không được chủ tọa phiên tòa cho phép; nguyên đơn và bị đơn phát biểu khi chưa được Hội đồng xét xử cho phép là vi phạm Điều 70, 71, 72, 234 BLTTDS 2015, Kiểm sát viên cần bổ sung nội dung này để việc phát biểu chính xác, khách quan.
Thứ ba, một số kỹ năng khi phát biểu ý kiến tại phiên tòa.
|
|
KSV phát biểu quan điểm giải quyết vụ án (Ảnh: Duy Phương) |
Bài phát biểu đã được bổ sung, sửa chữa đầy đủ, phù hợp với diễn biến thực tế tại phiên tòa rồi, thì tính thuyết phục của nó còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng phát biểu của Kiểm sát viên. Muốn hoạt động phát biểu có sức thuyết phục mạnh mẽ, Kiểm sát viên cần lưu ý:
- Thực hiện đúng Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa:
Thái độ và cách xưng hô của Kiểm sát viên về bản thân, đối với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người tham gia phiên tòa phải đúng Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa (Ban hành theo quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao). Kiểm sát viên sử dụng trang phục Ngành đúng quy định; phải đứng đúng tư thế; thực hiện đúng nội quy phiên tòa; không phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, thành phần, địa vị xã hội, giới tính của người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa; Kiểm sát viên phải có thái độ lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác; cử chỉ, hành động, lời nói, biểu cảm của Kiểm sát viên phải rõ ràng, dứt khoát, lịch sự, đúng mực; ngôn ngữ phải chuẩn xác, không nói ngọng, nói lắp…
- Kiểm sát viên không nên đọc nguyên văn dự thảo bài phát biểu đã chuẩn bị trước, chỉ nên xem dự thảo bài phát biểu là văn bản hỗ trợ cho mình khi quên nội dung hoặc trình tự vấn đề cần trình bày, khi cần đọc nguyên văn quy định của pháp luật…Kiểm sát viên nên sử dụng phương pháp nói để phân tích, đánh giá, điều này sẽ khiến hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên có sức thuyết phục, lôi cuốn hơn.
- Kiểm sát viên phải biết cách điều khiển giọng nói của mình. Lúc thì nên nói giọng trầm, lúc phải nói giọng cao khi muốn truyền tải các cảm xúc khác nhau như: phê phán, thương tiếc…Nếu không thay đổi âm vực giọng nói, sẽ gây nhàm chán cho người nghe. Đồng thời, Kiểm sát viên cũng nên nhấn giọng đúng chỗ và nhấn giọng vào những từ quan trọng, ngừng trước và sau những vấn đề quan trọng để gây sự chú ý và giúp người nghe có thể nắm bắt được nội dung mà Kiểm sát viên muốn nói.
- Ngôn ngữ không lời như ánh mắt, cử chỉ, biểu cảm có tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho lời trình bày của Kiểm sát viên nếu biết sử dụng đúng lúc, đúng mực, đúng ý nghĩa của nó. Vì vậy, Kiểm sát viên cần tích cực học thêm kỹ năng sử dụng ngôn ngữ không lời. Kiểm sát viên đứng thẳng người, động tác tay phải phù hợp với ý nghĩa câu nói của Kiểm sát viên.
Khi trình bày, ánh mắt phải hướng vào đối tượng được đề cập đến, như khi đề nghị với Hội đồng xét xử vấn đề gì, ánh mắt của Kiểm sát viên phải hướng về phía Hội đồng xét xử. Ngoài ra, ánh mắt của Kiểm sát viên cũng phải phù hợp với nội dung trình bày: thương tiếc, phấn khởi…
Không nên có những cử chỉ, hành động gây khó chịu cho những người tham dự phiên tòa như: Gãi đầu, vuốt mũ, chống cằm…