Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về công tác kiểm sát việc tuân theo chính sách và pháp luậtkiểm sát văn bản - Kiểm sát chung và công tác đấu tranh chống phản cách mạng của VKSND.

Hướng vào kiểm sát việc tuân theo chính sách và pháp luật

Năm 1968, trọng tâm công tác của ngành kiểm sát đã hướng vào kiểm sát việc tuân theo chính sách và pháp luật của các cơ quan nhà nước và cán bộ có trách nhiệm trong công tác quản lý kinh tế, đồng thời ngành kiểm sát cũng chú trọng kiểm sát việc chấp hành chính sách và pháp luật trong công tác quản lý trị an thời chiến để góp phần thực hiện tốt những nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và phục vụ đời sống nhân dân. 

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngành đã chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật để bảo vệ tài sản của tập thể, tài sản nhà nước đầu tư vào nông nghiệp; bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nông dân, chú trọng đi vào một số ngành phục vụ nông nghiệp như ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành kiểm sát còn tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực giao thông vận tải, lĩnh vực lưu thông phân phối, lĩnh vực công nghiệp, trong đó đã chú trọng đi vào một số ngành có nhiệm vụ bảo đảm đời sống, sức khoẻ và học hành của nhân dân như các ngành y tế, giáo dục... 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III tại Hà Nội, ngày 27/6/1964. (Ảnh: Trung tâm báo chí, VPQH)

Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, cùng với việc kiến nghị, yêu cầu những cơ quan, đơn vị có vi phạm sửa chữa, ngành kiểm sát còn kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với những trường hợp cán bộ nhất thời phạm pháp không nghiêm trọng. Còn đối với những trường hợp tham ô, ăn cắp của công nghiêm trọng, hay lợi dụng chức quyền, nhận hối lộ, làm sai chính sách và pháp luật nghiêm trọng, các viện kiểm sát đã truy tố trước toà án. 

Kiểm sát văn bản là một nội dung quan trọng của công tác kiểm sát chung. Các khoản a, Điều 3, Điều 9 và Điều 10 của Luật Tổ chức VKSND đã quy định cụ thể về kiểm sát văn bản. Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 1/2/1963 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng nói về công tác kiểm sát và Nghị quyết số 01-NQ ngày 19/9/1965 của ngành kiểm sát cũng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ kiểm sát văn bản. Nhưng cho đến những năm 1967 - 1968, công tác kiểm sát chung của ngành kiểm sát vẫn chưa chú ý đúng mức đến nhiệm vụ kiểm sát văn bản. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch kiểm sát văn bản thường xuyên theo trọng tâm công tác từng thời gian. Trong các cuộc kiểm sát tại chỗ cũng chưa có yêu cầu kiểm sát văn bản. Một số nơi có phát hiện văn bản của các cơ quan nhà nước địa phương không phù hợp pháp luật nhưng việc đấu tranh để sửa chữa, khôi phục lại hiệu lực của pháp luật bị xâm phạm chưa được thực hiện triệt để và nhất là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp để mở rộng tác dụng đấu tranh có hiệu quả hơn. 

Trước tình hình đó, ngày 30/7/1968, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 1169/V1 về kiểm sát văn bản, coi đây là một nội dung quan trọng của công tác kiểm sát chung, nhằm phát hiện và đề nghị bãi bỏ những văn bản trái pháp luật. VKSND tối cao yêu cầu các VKSND khu, thành, tỉnh và huyện đặt vấn đề kiểm sát văn bản một cách đúng mức và tích cực hơn. 

Cụ thể là có kế hoạch hướng dẫn các viện kiểm sát huyện, thị chú ý thực hiện kiểm sát văn bản của các ngành có liên quan với trọng tâm công tác của tỉnh; kết hợp các cuộc kiểm sát tại chỗ, các cuộc phối hợp kiểm tra cũng như những dịp đến tận nơi điều tra về hình sự, giải quyết đơn khiếu tố... để đọc, nghiên cứu những văn bản có liên quan.

Khi có một văn bản của cơ quan nào đem thực hiện gây nên phản ứng hoặc biến thành hành vi, biện pháp sai pháp luật thì nhất thiết phải tìm ra văn bản vi phạm pháp luật và thực hiện kiểm sát văn bản ấy; nếu văn bản vi phạm pháp luật lại là của một cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ thì báo ngay cho VKSND tối cao kèm theo tình hình tác hại và phản ứng cụ thể do văn bản ấy đã gây ra, để VKSND tối cao thực hiện kiểm sát.

Khi phát hiện một văn bản nghi là có vi phạm pháp luật, cần liên hệ với cơ quan có liên quan, trao đổi để tìm ra căn cứ pháp luật, hiểu rõ nhận thức của các ngành hữu quan về yêu cầu cụ thể của pháp luật, những khó khăn cụ thể của ngành đòi hỏi phải ban hành văn bản... qua đó, có thể đấu tranh và giúp đỡ có hiệu quả hơn. 

Cùng ngày, VKSND tối cao có Thông báo số 10/V1 về kinh nghiệm kiểm sát văn bản, nêu lên những khó khăn trong việc kiểm sát văn bản như việc sưu tầm văn bản, phát hiện vi phạm và những căn cứ pháp luật để đối chiếu vi phạm, đồng thời chỉ ra những kinh nghiệm để VKSND các cấp nghiên cứu, vận dụng và khắc phục những khó khăn nêu trên. 

Bảo đảm việc bắt giam, truy tố được chính xác và kịp thời

Trên lĩnh vực kiểm sát hình sự, trong những năm 1965 - 1968, ngành kiểm sát đã bám sát chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng ban hành một số chỉ thị, thông báo về đấu tranh chống các lực lượng phản cách mạng; tiến hành kiểm sát chủ trương của Đảng về đặc xá, cải tạo tại chỗ, một số vụ án trọng điểm, tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm toàn ngành để nâng cao nghiệp vụ kiểm sát. 

Trong năm 1966, trong công tác đấu tranh chống phản cách mạng, do nhận thức được nâng lên và đã xác định rõ đối tượng chính cần đấu tranh, ngành kiểm sát đã bảo đảm việc bắt giam, truy tố được chính xác và kịp thời hơn trước. Qua kiểm sát điều tra một số vụ án lớn ở địa phương, ngành kiểm sát đã phát hiện một số tên gián điệp ẩn náu đội lốt linh mục, kết quả đã thúc đẩy được công tác điều tra đi đúng hướng. 

Ở một số tỉnh, qua một số vụ án phản tuyên truyền và phản cách mạng mới, một số cán bộ công an đã có biểu hiện phân biệt địch - ta chưa rõ ràng, dẫn tới bắt không đúng, xử lý tràn lan, viện kiểm sát đã kiên quyết không phê chuẩn bắt giam hoặc không truy tố (Hải Phòng, Nam Hà...) hoặc lạm dụng việc bắt khẩn cấp nhất là trong thời chiến, một số nơi không nghiêm chỉnh chấp hành thủ tục bắt giữ, đã tự bắt, tự tha không thông qua cơ quan kiểm sát (Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Bình...), ngành kiểm sát đã cùng ngành công an rút kinh nghiệm để cải tiến công tác. 

Ở nhiều nơi, các viện kiểm sát địa phương cũng đã tích cực tham gia công tác cải tạo tại chỗ góp phần đảm bảo việc xét duyệt đối tượng, thực hiện tốt chính sách và pháp luật, đồng thời góp ý với công an uốn nắn những lệch lạc ở cấp xã và khu phố trong công tác quản lý trị an. 

Nhiều viện kiểm sát tỉnh và huyện đã tích cực, chủ động vận dụng chức năng của ngành góp phần củng cố vùng xung yếu, nhất là vùng rẻo cao, biên giới, vùng ven biển, nơi Thiên chúa giáo tập trung, đã có những hình thức, biện pháp phong phú, linh hoạt, sáng tạo trong việc làm tham mưu cho cấp uỷ kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật ở những vùng phong trào non yếu. Kết quả là đã nâng cao được trình độ nắm chính sách, pháp luật cho cán bộ, đảng viên, quần chúng ở cơ sở và nâng cao cảnh giác cách mạng, qua đó ngăn chặn được những luận điệu gây chiến tranh tâm lý, phát hiện và xử lý kịp thời những phần tử chống phá ở địa phương, tăng cường đoàn kết nông thôn, đề cao vai trò lãnh đạo của đảng bộ và chính quyền cấp xã. Có nơi, đã biết kết hợp yêu cầu giải quyết tốt vụ án với yêu cầu góp phần củng cố phong trào về mọi mặt ở cơ sở (Hà Bắc, Nam Hà, Hải Phòng...). Có nơi, viện kiểm sát đã chủ động xuống cơ sở đi sát quần chúng giáo dân để thu thập tài liệu, phát động nhân chứng làm cho công tác đánh địch được chính xác và triệt để hơn (Thái Bình, Nam Hà, Ninh Bình...). Việc đưa truy tố, xét xử Lương Huy Hân phản động đầu sỏ đội lốt linh mục ở Bùi Chu đã thu được kết quả tốt.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL