Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc một số kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở các hợp tác xã; việc kiểm sát tại chỗ một số hợp tác xã vận tải; công tác kiểm sát hợp tác xã thủ công nghiệp cũng như việc tham gia đợt vận động quản lý thị trường của viện kiểm sát...
Kiểm sát thi hành chính sách lương thực
Ngày 14/4/1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 123-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, củng cố phong trào hợp tác xã mua bán ở xã. Trên cơ sở đó, ngày 25/8/1966, VKSND tối cao ra Thông báo về tình hình và một số kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở các hợp tác xã mua bán xã, yêu cầu các VKSND địa phương cần chú ý xem xét việc chấp hành chính sách thu mua, việc tham gia quản lý thị trường của hợp tác xã mua bán, nhằm hỗ trợ hợp tác xã làm đúng chức năng, thẩm quyền, biện pháp công tác theo đúng luật lệ, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người nông dân lao động, bảo đảm chính sách của Nhà nước được chấp hành đúng đắn, góp phần đảm bảo mối quan hệ giữa nông dân với Nhà nước được chặt chẽ.
Thông qua công tác kiểm sát phát hiện những quy định về chính sách thu mua, quản lý thị trường và mặt hàng quản lý, trong tình hình mới cần quy định thêm những gì cho phù hợp với nhu cầu về chiến đấu, sản xuất và đời sống của nhân dân.
Do giá gạo thị trường ở nhiều nơi tăng vọt, ở một số nơi, nhân dân thiếu ăn, Chính phủ phải đưa thóc gạo về cứu tế, nhưng hợp tác xã lại đem bán cho nhân dân, làm ảnh hưởng đến đời sống và tinh thần đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu của nhân dân. Trước tình hình đó, một số VKSND địa phương Khu Việt Bắc, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh... đã xuống xã và hợp tác xã để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành chính sách lương thực, phát hiện vi phạm, tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình hình trên và đề xuất với cấp uỷ những biện pháp khắc phục, sửa chữa và uốn nắn chung.
VKSND tối cao đánh giá việc làm của các VKSND nói trên là tốt, đi đúng trọng tâm, kịp thời, thiết thực phục vụ những nhiệm vụ chính trị của Đảng và giới thiệu nội dung kiểm sát, các căn cứ pháp luật và những vi phạm mà các VKSND Khu Việt Bắc, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh đã phát hiện để các địa phương nghiên cứu, tham khảo.
Tiếp đó, ngày 17/9/1966, VKSND tối cao ra Thông báo số 13-TB/V1 về tình hình và công tác kiểm sát chung phục vụ chính sách thu mua, quản lý, phân phối, điều hoà lương thực trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Thông báo nêu rõ, vấn đề lương thực chiếm một vị trí then chốt trong đời sống xã hội, chi phối quốc kế dân sinh và tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong tình hình chiến sự, lương thực lại càng quan trọng. Chấp hành đúng đắn chính sách lương thực có tác dụng đảm bảo thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sản xuất và chiến đấu, tăng cường lực lượng hậu phương để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Các VKSND địa phương trong kế hoạch phục vụ nông nghiệp, cần quan tâm đến vấn đề này và chú ý xem xét việc thi hành ở địa phương mình trong dịp thu hoạch vụ mùa.
Nhiều vi phạm chính sách và pháp luật trong hoạt động vận tải của các hợp tác xã
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giao thông vận tải giữ vị trí hết sức quan trọng. Các hợp tác xã vận tải được thành lập và hoạt động. Một số địa phương đã nhận thấy vai trò quan trọng của các hợp tác xã vận tải đường thủy, đường bộ. Tuy nhiên, hoạt động vận tải của các hợp tác xã còn nhiều vi phạm chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là trong hợp đồng vận chuyển đã xảy ra nhiều vụ việc tham ô, trộm cắp, lãng phí tài sản, vật tư...
Xuất phát từ tình hình nêu trên, một số viện kiểm sát địa phương như: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Bình... đã báo cáo cấp uỷ và tổ chức kiểm sát tại chỗ một số hợp tác xã vận tải nhằm giúp cho các hợp tác xã hoàn thành hợp đồng vận chuyển, giữ gìn và bảo quản hàng hoá khi vận chuyển, bảo đảm an toàn giao thông, chấp hành tốt các nguyên tắc, chế độ, thể lệ của Nhà nước đối với hợp tác xã và trên cơ sở đó góp phần củng cố hợp tác xã, giúp cấp uỷ địa phương có biện pháp chỉ đạo, uốn nắn, khắc phục những vi phạm, thiếu sót.
Ngày 13/6/1966, VKSND tối cao ra Thông báo số 15-TB/V1 về việc kiểm sát tại chỗ hợp tác xã vận tải. Trong thông báo này, VKSND tối cao lưu ý viện kiểm sát các địa phương về trình tự và phương pháp tiến hành kiểm sát tại chỗ các hợp tác xã vận tải, đưa ra những căn cứ pháp luật cần vận dụng trong quá trình kiểm sát.
Trong tình hình địch tập trung đánh phá giao thông ác liệt, công tác bảo dưỡng, tu sửa đường bộ ngày càng trở nên quan trọng nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, kịp thời phục vụ cho tiền tuyến, cho sản xuất, chiến đấu và đời sống; mặt khác, hạn chế được những thiệt hại và tổn thất về tài sản của Nhà nước.
Năm 1967 và đầu năm 1968, một số viện kiểm sát tỉnh ở Khu IV cũ và tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm sát một số đội công trình ở những tuyến đường giao thông chiến lược địch thường xuyên bắn phá. Công tác còn mới mẻ, phức tạp, làm chưa nhiều do đó cũng chưa có nhiều kinh nghiệm.
Ngày 23/4/1968, VKSND tối cao ra Thông báo số 03/KSC về công tác kiểm sát phục vụ giao thông vận tải, thông báo một số kinh nghiệm sơ bộ của các địa phương đã kiểm sát các đội công trình bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ để các địa phương nghiên cứu, tham khảo vận dụng. Thông báo nêu rõ về cách chọn đơn vị để tiến hành kiểm sát, những nội dung cần tập trung kiểm sát, phương pháp tiến hành kiểm sát và chỉ ra một số văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ cho công tác kiểm sát.
Tiếp đó, ngày 25/4/1968, VKSND tối cao lại có Thông báo số 05/KSC về công tác kiểm sát phục vụ giao thông vận tải, trong đó nêu rõ: Phương hướng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát năm 1968 nhấn mạnh phục vụ giao thông vận chuyển là nhiệm vụ trung tâm đột xuất thường xuyên mà toàn ngành cần phải tăng cường.
Phương hướng công tác kiểm sát chung năm 1968 đã nêu rõ trung chuyển là một trong các công tác quan trọng của giao thông vận chuyển mà kiểm sát cần phải phục vụ. Do công tác này có nhiều phức tạp, khó khăn, lại mới mẻ, chưa làm được nhiều nên trong thông báo, VKSND tối cao sơ bộ nêu lên một số kinh nghiệm để các địa phương tham khảo, vận dụng.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các VKSND tỉnh, thành, khu, phố, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm sát các xí nghiệp trung ương, xí nghiệp địa phương và nhiều hợp tác xã thủ công, có địa phương đã tập trung kiểm sát hàng loạt hợp tác xã thủ công, thu được kết quả tốt.
Sau khi phân tích những đặc điểm của các hợp tác xã thủ công trong tình hình thời chiến, VKSND tối cao cho rằng những đặc điểm của các hợp tác xã thủ công ảnh hưởng rất nhiều đến việc bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản hợp tác xã và thực hiện phương hướng sản xuất xã hội chủ nghĩa, do đó các viện kiểm sát địa phương cần nghiên cứu và có nhận thức đầy đủ để khi kiểm sát hợp tác xã thủ công đề ra mục đích, yêu cầu, nội dung, phương châm, phương pháp cho sát đúng.
VKSND địa phương đã đi vào các vấn đề chính trong các khâu quản lý lao động, quản lý vật tư và quản lý tiền vốn, chủ yếu là quản lý vật tư của Nhà nước. Thông qua kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hợp tác xã mà phát hiện các thiếu sót, lệch lạc về tổ chức của các hợp tác xã thủ công.
Trên cơ sở những kết quả của VKSND các cấp đã đạt được, VKSND tối cao sơ bộ rút ra một số kinh nghiệm cần thiết về công tác kiểm sát hợp tác xã thủ công nghiệp để các viện kiểm sát địa phương tham khảo, vận dụng, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phục vụ công nghiệp. Các viện kiểm sát địa phương, nhất là các nơi có nhiều hợp tác xã thủ công cần nắm vững phương hướng, nhiệm vụ của ngành năm 1968 về phục vụ công nghiệp, quan tâm đến công tác này.
Ngày 23/9/1968, VKSND tối cao ra Chỉ thị số 02/VP-TH về việc tham gia đợt vận động quản lý thị trường. Chỉ thị nêu rõ, việc đấu tranh góp phần giúp cho các ngành quản lý kinh tế, tài chính chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị của Đảng, các quy định của Nhà nước, đấu tranh bảo vệ vật tư, hàng hoá của Nhà nước, chống tham ô, lấy cắp tài sản công, chống đầu cơ, buôn lậu vốn là công tác trọng tâm thường xuyên của ngành kiểm sát.
Chỉ thị cũng chỉ rõ những công tác chính của các viện kiểm sát địa phương khi tham gia cuộc vận động, vấn đề xử lý vi phạm, tội phạm phát hiện trong cuộc vận động và đáng lưu ý là cần chọn những vụ án điển hình đưa ra xét xử để phục vụ phong trào, song vụ án điển hình không nhất thiết phải là vụ án thật lớn, mức án thật cao mà cơ bản là nó có tác dụng giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành chính sách, tuân theo chế độ, thể lệ trong cán bộ và trong nhân dân.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).