VKSND tối cao ra nghị quyết về nhiệm vụ của ngành Kiểm sát
Từ cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ gây Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với miền Bắc, miền Bắc chuyển sang thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Cán bộ, nhân viên ngành Kiểm sát cùng nhân dân miền Bắc bước vào thời kỳ cách mạng mới.
Trước những bước leo thang chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương (tháng 3/1965) và lần thứ 12 (tháng 12/1965), Nghị quyết số 123-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 7/7/1965 đã đề ra nhiệm vụ chuyển hướng công tác tư tưởng và tổ chức trong tình hình mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngày 19/9/1965, VKSND tối cao ra nghị quyết về nhiệm vụ của ngành Kiểm sát. Nghị quyết nêu rõ: “Để phục vụ cho nhiệm vụ vừa đẩy mạnh sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc và triệt để giúp cách mạng miền Nam, Nhà nước dân chủ nhân dân của ta chẳng những cần tiếp tục củng cố mà còn cần tăng cường hơn nữa pháp chế xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với tình hình mới. Trong tình hình mới ấy, để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, một mặt cần điều chỉnh và bổ sung các chính sách và luật lệ cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng và thông qua việc vận động quần chúng thực hiện các công tác trung tâm về sản xuất và chiến đấu mà giáo dục mọi người ý thức tôn trọng luật lệ, tôn trọng kỷ luật và trật tự; mặt khác cũng cần đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra và kiểm sát việc chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ, chế độ, thể lệ, kịp thời ngăn ngừa và xử lý các tội phạm và vi phạm pháp luật khác xảy ra, nhằm củng cố vững chắc trật tự pháp lý xã hội chủ nghĩa trong thời chiến”.
Nghị quyết đề ra những nhiệm vụ cụ thể của ngành kiểm sát là: Trước hết, chuyển hướng tư tưởng, tổ chức và lề lối làm việc cho phù hợp với thời chiến; nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng cùng các công cụ chuyên chính khác trấn áp kịp thời bọn gián điệp biệt kích và bọn phản cách mạng khác, đẩy mạnh việc cải tạo các cơ sở sản xuất xã hội mà địch dễ dàng lợi dụng, đấu tranh ngăn chặn các vụ phạm pháp về trị an và tệ nạn xã hội, nhằm góp phần bảo vệ an ninh của miền Bắc; hết sức coi trọng việc đẩy mạnh công tác kiểm sát góp phần vào việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của Trung ương trong thời chiến, bảo đảm tăng cường dân chủ và kỷ luật trong nhân dân; nhạy bén với tình hình, tích cực dùng chức năng kiểm sát phục vụ cho việc nhanh chóng nâng cao năng lực quốc phòng và việc huy động nhân lực phục vụ chiến đấu.
Căn cứ vào việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, VKSND tối cao ra các chỉ thị hướng dẫn về công tác kiểm sát.
Thường xuyên báo cáo công tác kiểm sát trước Ban Bí thư Trung ương Đảng để xin ý kiến chỉ đạo và đề nghị Trung ương xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác kiểm sát. Trong tháng 1/1965, VKSND tối cao tiến hành tổng kết công tác kiểm sát năm 1964, kiểm điểm sự chỉ đạo của Đảng đoàn, rút ra những kinh nghiệm phục vụ công tác kiểm sát năm 1965.
Ngày 21/9/1965, Đảng đoàn VKSND tối cao báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác kiểm sát từ tháng 2 đến tháng 9/1965 và đề nghị Ban Bí thư một số nội dung cụ thể như sau:
Cử đoàn kiểm tra do một đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng phụ trách đi các tỉnh Liên khu IV để kiểm tra và kịp thời bổ khuyết những thiếu sót trong việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, kho tàng, vật tư, lương thực.
Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động nhằm củng cố, tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa: Cuộc vận động “ba xây, ba chống”, vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp; quan tâm hơn tới việc lãnh đạo khu vực hợp tác xã thủ công nghiệp.
Đề nghị đặt các trạm có dân quân vũ trang canh gác trên tuyến đường từ Liên khu III vào Liên khu IV để đảm bảo giữ gìn trật tự và an ninh, ngăn chặn hiện tượng lấy cắp của công, đón đường cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ...
Kiện toàn và tăng cường hơn nữa công tác thanh tra của các bộ, ngành các cấp để đảm bảo cho công tác lãnh đạo được tập trung thống nhất.
Ngành kiểm sát thực hiện tinh giản bộ máy VKSND Trung ương, tăng cường cán bộ cho viện kiểm sát các địa phương, thành lập một số viện kiểm sát các huyện, thị. Mở các lớp học nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành.
|
|
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam và Tổng Kiểm sát trưởng Viện kiểm sát tối cao Liên Xô R.A. Rudenko trong buổi làm việc tại Mátxcơva, tháng 6/1961. (Ảnh: tư liệu) |
Về công tác tổ chức đã có chuyển hướng, ở VKSND tối cao, thực hiện tinh giản bộ máy, đưa 43 cán bộ (25%) tăng cường cho các viện kiểm sát miền núi và những nơi còn yếu; phân cấp cho viện kiểm sát tỉnh và huyện; đã mở 3 lớp đào tạo ở địa phương và khai giảng 1 lớp bổ túc sáu tháng cho cán bộ lãnh đạo, kiểm sát viên các cấp, cử một đoàn cán bộ trung, cao cấp đi kiểm tra tình hình và nghiên cứu kinh nghiệm công tác địa phương.
Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ sinh hoạt của Ủy ban Kiểm sát
Ngày 7/9/1965, Ủy ban Kiểm sát thuộc VKSND tối cao họp và thảo luận về nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ sinh hoạt. Trên cơ sở những ý kiến nhất trí của Ủy ban Kiểm sát, ngày 9/11/1965, Viện trưởng VKSND tối cao Hoàng Quốc Việt đã ký Quyết định số 303/QĐ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ sinh hoạt của Ủy ban Kiểm sát.
Theo quy định, Ủy ban Kiểm sát thuộc VKSND tối cao có nhiệm vụ thảo luận và giải quyết những vấn đề quan trọng trong công tác kiểm sát, đó là: Những vấn đề thuộc về đường lối, phương châm công tác kiểm sát, chương trình công tác kiểm sát của VKSND tối cao.
Những dự án kháng nghị quan trọng đối với nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị và biện pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và của các cơ quan nhà nước địa phương mà xét thấy không đúng pháp luật.
Những vấn đề thuộc điều tra thẩm cứu, truy tố và kháng nghị bản án, quyết định của toà án trong những vụ án quan trọng.
Những dự án luật, dự án pháp lệnh và những đề nghị giải thích pháp luật mà Viện trưởng VKSND tối cao sẽ trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Kiểm sát VKSND tối cao làm việc theo nguyên tắc tập thể và dân chủ dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng. Trong Ủy ban Kiểm sát, Viện trưởng có quyền quyết định cuối cùng. Khi Viện trưởng quyết định khác với ý kiến của đa số thì Viện trưởng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ và nguyên tắc nói trên, Quyết định còn quy định về chế độ hội nghị và lề lối làm việc của Ủy ban Kiểm sát theo thường kỳ hoặc bất thường.
Sau 5 năm, kể từ khi được thành lập, thực hiện phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng”, trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, VKSND tối cao và VKSND các tỉnh, thành, khu đã chú trọng đến công tác kiểm tra nội bộ. Kết quả của các cuộc kiểm tra là đã phát hiện những điển hình tốt, những kinh nghiệm tốt để kịp thời phổ biến trong ngành, hạn chế được những sai lầm trong vận dụng đường lối, chính sách, pháp luật, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành về mặt tư tưởng, công tác và tổ chức...
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).