Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc sự tham gia của viện kiểm sát vào cuộc vận động dân chủ, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng ở nông thôn; kiểm sát trong lĩnh vực lưu thông và phân phối, đồng thời kiểm sát một số cửa khẩu, nơi chung chuyển hàng hóa.
Ngành kiểm sát vận dụng chức năng tích cực tham gia cuộc vận động
Năm 1967, Ban Bí thư mở cuộc vận động dân chủ, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng ở nông thôn và tiến hành làm thí điểm ở một số thành, tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hoá, Bắc Thái). Đây là một cuộc vận động lớn, mang tính chất cách mạng sâu sắc, nhằm mục đích phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của quần chúng và chính trị, kinh tế và xã hội, xây dựng và thực hiện tốt những nguyên tắc tổ chức và quản lý trong hợp tác xã và việc tuân thủ pháp luật ở nông thôn, trên cơ sở đó mà động viên khí thế phấn khởi của quần chúng, đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, đưa sản xuất nông nghiệp tiến lên một bước mới, làm cơ sở vững chắc để phát triển công nghiệp và để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Cuộc vận động dân chủ này là một bước quan trọng trong việc xây dựng nền dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta và tăng cường Nhà nước chuyên chính vô sản, VKSND tối cao quyết định ngành kiểm sát phải vận dụng chức năng của mình để tích cực tham gia vào cuộc vận động.
Ngày 20/11/1967, VKSND tối cao ra bản Hướng dẫn số 2509/V1 về công tác kiểm sát phục vụ cuộc vận động dân chủ, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng ở nông thôn, lưu ý một số điểm thường có vướng mắc trong nhận thức cũng như lúc tiến hành cuộc vận động và chỉ đạo ngành kiểm sát phải coi việc tham gia cuộc vận động này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Các địa phương làm thí điểm phải tập trung phục vụ cuộc vận động nhằm: Góp phần với Đoàn Chỉ đạo thực hiện Hướng dẫn số 2509/V1 và cấp uỷ bổ sung đánh giá đúng tình hình dân chủ và pháp chế ở địa phương, thấu suốt chủ trương của Trung ương về mở cuộc vận động, trên cơ sở đó mà có quyết tâm cao trong việc thực hiện cuộc vận động.
Sưu tầm, nghiên cứu các luật lệ cần thiết cho việc xây dựng hợp tác xã, xây dựng nông thôn, giới thiệu với Đoàn Chỉ đạo và cấp uỷ để đưa pháp luật vào đời sống, trang bị pháp luật cho cán bộ và quần chúng, nâng cao một bước tinh thần làm chủ tập thể cho quần chúng, thực hiện đầy đủ và đúng đắn quyền làm chủ của quần chúng. Giúp Đoàn Chỉ đạo góp ý kiến với địa phương xây dựng điều lệ, nội quy của hợp tác xã, các quy tắc làm việc của chính quyền địa phương sao cho đúng chính sách, pháp luật.
Giúp Đoàn Chỉ đạo giải quyết tốt các vi phạm pháp luật phát hiện trong quá trình thực hiện cuộc vận động để đẩy mạnh cuộc vận động; vận dụng chức năng để hỗ trợ thu hồi tài sản của công bị xâm phạm và xử lý một số vụ phạm pháp nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc vận động mà quần chúng phát hiện và yêu cầu.
Kịp thời phát hiện các vi phạm chế độ, thể lệ trong quá trình thực hiện cuộc vận động, đề nghị, yêu cầu sửa chữa, góp phần thực hiện tốt chỉ thị của Trung ương.
Thông qua đợt vận động thí điểm rút kinh nghiệm về việc thực hiện dự thảo chỉ thị của Trung ương, chủ yếu là kinh nghiệm đưa pháp luật vào cuộc vận động.
Sau cuộc vận động, các viện kiểm sát thành, tỉnh cần mở hội nghị để cùng các viện kiểm sát huyện và các cán bộ kiểm sát trực tiếp tham gia cuộc vận động nhằm đúc rút kinh nghiệm; nghiên cứu về vấn đề nông thôn đã có pháp luật rồi nhưng chưa đầy đủ và cụ thể để điều chỉnh, bổ sung; các vấn đề cần thiết phải có luật pháp quy định, có ý kiến đề xuất để VKSND tối cao nghiên cứu; kiểm điểm những ưu, khuyết điểm của công tác kiểm sát phục vụ nông thôn; nghiên cứu các hiện tượng sai trái, yêu cầu các cơ quan, các ngành hữu quan sửa chữa và báo cáo lên VKSND tối cao.
Với những hoạt động phong phú như trên, trong công tác đấu tranh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ và tăng cường kỷ luật, ngành kiểm sát đã đi đúng hướng hơn, phục vụ có kết quả tốt các nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước.
Trong nông nghiệp, viện kiểm sát các cấp đã phục vụ tốt cuộc vận động cải tiến hợp tác xã nông nghiệp ở trung du, đồng bằng và miền núi, đã chú ý giúp đỡ các hợp tác xã yếu kém cải tiến công tác quản lý. Qua công tác kiểm sát đã phát hiện những vụ tham ô trong các hợp tác xã và xử lý kịp thời; tích cực hỗ trợ thu hồi tài sản vay mượn, bị chiếm dụng của hợp tác xã.
Một số tỉnh đã nhạy bén trong việc đi vào phục vụ cách mạng kỹ thuật (Hà Bắc, Thái Bình). Qua kiến nghị của ngành kiểm sát về những vi phạm trong khoanh vùng, đổi ruộng, Hội đồng Chính phủ đã ra thông tư uốn nắn về vấn đề này, nhiều địa phương còn chú trọng tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ở cơ sở chấp hành tốt các chính sách phục vụ quốc phòng, phục vụ thời chiến, giải quyết tốt các tệ nạn về trị an, xã hội và tranh chấp dân sự.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, viện kiểm sát các cấp, nhất là các viện kiểm sát ở Khu IV cũ đã tập trung khả năng phục vụ và đã phát hiện tình hình mất mát, trộm cắp, tham ô, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm xảy ra nghiêm trọng ở tất cả các khâu, nhất là ở các nơi trung chuyển, đã kịp thời giúp các ngành chủ quản có biện pháp khắc phục những thiếu sót; giáo dục quần chúng ở dọc các trục giao thông lớn về ý thức bảo vệ của công, đồng thời thu hồi những tài sản bị mất. Ngành kiểm sát đã báo cáo với Trung ương Đảng tình hình trên và đề nghị có chủ trương tăng cường công tác kiểm tra và uốn nắn.
Phát hiện nhiều vi phạm trong kiểm sát việc vận chuyển, bảo quản các kho ký gửi
Trong lưu thông, phân phối, nhiều viện kiểm sát địa phương đã tiến hành kiểm sát việc vận chuyển, bảo quản các kho ký gửi về mặt phòng tránh địch và trộm cắp, tham ô, lãng phí, đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc thực hiện các nguyên tắc giao nhận, bảo quản, hợp đồng vận chuyển gây tổn thất lớn, đã kịp thời thu hồi số thóc gạo bị mất, kịp thời kiến nghị với Tổng cục Lương thực có biện pháp sửa chữa.
Nhiều nơi, qua công tác kiểm sát, các hợp tác xã mua bán và một số xí nghiệp bán lẻ cấp huyện đã phát hiện tình trạng tuỳ tiện nâng giá, ép giá, lạm quyền trong việc quản lý thị trường, thực hiện sai chính sách trong việc phân phối hàng hoá, vật tư, lợi dụng sơ hở trong quy định cũ về bao tiêu để che lấp tham ô, lãng phí.
VKSND tối cao đã cùng với viện kiểm sát địa phương tiến hành kiểm sát tại chỗ Xí nghiệp Thương nghiệp huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú và phát hiện nhiều vi phạm, đã báo cáo với Ban Bí thư và thông báo tình hình trên đến Hội đồng Chính phủ, từ đó thúc đẩy Bộ Nội thương kiểm tra toàn bộ hoạt động trong ngành. Một số tỉnh đã kiểm sát việc cho vay và sử dụng vốn của Nhà nước ở một số cơ sở sản xuất và kinh doanh, phát hiện những vi phạm. Qua những kiến nghị của ngành kiểm sát, Ngân hàng Quốc gia cũng đã tiến hành kiểm tra và có biện pháp khắc phục.
Quán triệt Chỉ thị số 150-CT của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 59 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và thực hành tiết kiệm, VKSND các cấp đã đi đúng hướng và quán triệt tốt hơn trên cả ba mặt sản xuất, chiến đấu và đời sống, đã lấy nông nghiệp làm trung tâm thường xuyên, nhiều nơi đã đi vào kiểm sát khâu thuỷ lợi và phân phối các tư liệu nông nghiệp phục vụ thâm canh, đồng thời chú trọng đến vật tư và tiền vốn của Nhà nước đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy thu hồi các khoản nợ của Nhà nước ứ đọng trong nông thôn.
Ngành cũng đã đi sâu vào lĩnh vực lưu thông phân phối, tập trung vào khâu quản lý vật tư, tiền vốn của các xí nghiệp quốc doanh. Phát huy kết quả kiểm sát Xí nghiệp Thương nghiệp huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú, toàn ngành đi sâu vào kiểm sát việc phân phối của thương nghiệp.
VKSND tối cao đã cùng một số cơ quan Trung ương tiến hành kiểm sát Công ty Bách hoá Hải Dương, đã đánh giá những vi phạm pháp luật và sơ hở của ngành thương nghiệp toàn diện và sâu sắc hơn để đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ thúc đẩy ngành thương nghiệp tiến hành tự kiểm tra ở nhiều nơi và đẩy mạnh việc giáo dục ý thức chấp hành chế độ, thể lệ trong toàn ngành, xây dựng thông tư khác thay thế Thông tư số 164 của Bộ Nội thương. Qua báo cáo của ngành kiểm sát, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ thị cho ba ngành công an, kiểm sát, toà án tăng cường công tác đấu tranh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa trong thời chiến.
VKSND tối cao và một số viện kiểm sát địa phương đã đi sâu vào kiểm sát một số cửa khẩu, nơi trung chuyển hàng hoá thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng ở khâu giao nhận, bảo quản, báo cáo Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ và uỷ ban hành chính các cấp chú ý tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).