Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về bài nói chuyện của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao tại Hội nghị chuyên đề đấu tranh chống tội phạm năm 1967; việc chú trọng đối với công tác tổ chức cán bộ trong Ngành; công tác kiểm sát tham gia cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp lần thứ hai… 

Cán bộ kiểm sát đã hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ quần chúng

Từ ngày 18 đến ngày 28/10/1967, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị chuyên đề đấu tranh chống tội phạm nhằm bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo và kiểm sát viên cấp tỉnh, thành về nhận thức và vận dụng chức năng kiểm sát phục vụ cuộc đấu tranh chống tội phạm trong thời chiến. 

Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao có bài nói chuyện trước khi kết thúc hội nghị. Đồng chí khẳng định: Trong các cơ quan nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân là ngành trẻ nhất, vừa thành lập được 7 năm. Số đông cán bộ kiểm sát đều đã hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ quần chúng, chịu khó đi sát cơ sở, mạnh dạn làm công tác thực tế, qua công tác thực tế mà đúc kết thành lý luận để nâng cao dần trình độ nghiệp vụ kiểm sát.

Cán bộ ngành kiểm sát đã đoàn kết và phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, không những với các ngành chuyên chính như công an, toà án mà đã biết phối hợp với các ngành chuyên môn nghiệp vụ khác như các ngành tài chính, kinh tế, ngân hàng và các đoàn thể trong hệ thống chuyên chính vô sản... nên mặc dù người ít, việc nhiều, công tác đấu tranh chống tội phạm có nhiều khó khăn, phức tạp nhưng ngành kiểm sát đã và đang phát huy tác dụng trong sự nghiệp củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Ngành kiểm sát nhân dân là một trong những công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh chống tội phạm. 

Cuối cùng, đồng chí chỉ đạo: “Muốn làm tốt công tác kiểm sát phải có những tri thức khoa học nhất định. Cán bộ kiểm sát phải nghiên cứu, học tập, thấm nhuần những lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, đường lối, chính sách của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng. Cần phải học tập để có những kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn như: khoa học pháp lý, khoa học về hình luật và tố tụng hình sự... để bảo đảm công tác được kịp thời và chính xác”. 

Công tác tổ chức cán bộ đã được chú trọng

Trong năm 1965, các viện kiểm sát miền núi và một số viện kiểm sát huyện, thị đã được kiện toàn một bước. VKSND tối cao đã bổ sung cho các viện kiểm sát địa phương 64 cán bộ và bổ nhiệm 180 cán bộ là viện trưởng, phó viện trưởng và kiểm sát viên các cấp. 

Năm 1967, ngành kiểm sát bước đầu đi vào nghiên cứu một cách toàn diện vấn đề tổ chức và cán bộ của ngành cho phù hợp với tình hình mới. Chú trọng tìm hiểu tình hình tổ chức cán bộ ở một số tỉnh Tây Bắc và Khu IV cũ, kiện toàn bộ máy lãnh đạo một số tỉnh và vụ, phòng ở VKSND tối cao, cải tiến nội dung chương trình giảng dạy ở Trường Cán bộ kiểm sát. 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn đại biểu VKSND tối cao Liên Xô nhân dịp Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: tư liệu)

Năm 1968, công tác tổ chức cán bộ đã chú trọng gắn việc xây dựng đơn vị về mặt chuyên môn với việc xây dựng chi bộ và công đoàn bốn tốt, đã biểu dương và đề nghị tặng huân chương khen thưởng cho 5 tỉnh, thành. Đi đôi với việc tiếp tục mở lớp đào tạo, bổ túc nghiệp vụ, ngành kiểm sát đã tiến hành sơ kết các chuyên đề về tổ chức cán bộ, kiểm sát chung, kiểm sát điều tra, kiểm sát giam giữ và kiểm sát xét xử dân sự nhằm cải tiến công tác tổ chức và bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành. 

Trong giai đoạn 1965 -1968, Đảng đoàn VKSND tối cao tiếp tục được kiện toàn. Ngày 9/9/1966, Ban Bí thư ra Nghị quyết số 1351 về việc bổ sung đồng chí Nguyễn Thị Minh Nhã - Vụ trưởng Vụ Kiểm sát chung, VKSND tối cao vào Đảng đoàn VKSND tối cao. Ngày 15/7/1967, Ban Bí thư ra Nghị quyết số 1477 về việc chỉ định Đảng đoàn VKSND tối cao, đồng chí Bùi Lâm - Ủy viên Đảng đoàn làm Phó Bí thư Đảng đoàn. 

Trong thời kỳ nhân dân miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, ngành kiểm sát tiếp tục tăng cường hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Trên lĩnh vực kiểm sát chung, ngành kiểm sát chú trọng kiểm sát việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đảm bảo dân chủ và tăng cường kỷ luật…

Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc chuẩn bị mở rộng cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật ở các tỉnh miền núi, ngày 15/11/1965, VKSND tối cao ban hành chỉ thị hướng dẫn VKSND các cấp về công tác kiểm sát phục vụ cuộc vận động cải tiến hợp tác xã nông nghiệp miền núi. Yêu cầu đối với công tác kiểm sát là phải góp phần đảm bảo thực hiện đúng ba nguyên tắc: tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ; tích cực giúp đỡ địa phương trong quản lý tài chính hợp tác xã, ngăn ngừa tham ô, nhập nhằng về tài chính, giúp địa phương trong việc xây dựng nội quy, điều lệ. Đồng thời, Chỉ thị hướng dẫn các viện kiểm sát địa phương một số điểm trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát phục vụ cuộc vận động như trong việc xử lý, cần quán triệt đường lối, chính sách đối với miền núi, vấn đề chính trị, tư tưởng, chống địch phá hoại... 

Ngày 21/8/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 107-CT/TW về việc tiếp tục một bước mới cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng và trung du trong tình hình và nhiệm vụ mới.

Trên cơ sở những yêu cầu của cuộc vận động và thực tiễn công tác kiểm sát tại chỗ ở các hợp tác xã qua thực hiện cuộc vận động lần thứ nhất, ngày 23/11/1965, VKSND tối cao ra Chỉ thị về công tác kiểm sát tham gia cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp lần thứ hai. 

Chỉ thị đề ra những vấn đề chính mà VKSND các cấp cần phải tập trung làm tốt: quyền dân chủ của xã viên trong hợp tác xã; vấn đề tài chính trong hợp tác xã; việc xây dựng điều lệ chính thức của hợp tác xã; việc chấp hành một số chính sách có liên quan đến hợp tác xã. Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu rõ phương pháp tham gia cuộc vận động, cách thức tiến hành công tác và những việc cần phải làm sau khi tiến hành công tác kiểm sát phục vụ cuộc vận động. 

Trong tháng 4/1966, VKSND tối cao cử cán bộ về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số đơn vị cấp huyện để tìm hiểu diễn biến tình hình các tội phạm về kinh tế và công tác công tố phục vụ đấu tranh chống và phòng ngừa các tội phạm đó ở vùng có chiến sự, nhằm giúp cho VKSND tối cao có tài liệu nghiên cứu về đường lối xử lý phù hợp với thời chiến. 

Đến tháng 8/1966, VKSND tối cao có Thông báo số 09/V3 gửi các viện kiểm sát các tỉnh nói trên, đồng thời gửi các viện kiểm sát Vĩnh Linh, Thanh Hoá để tham khảo kinh nghiệm. Trong thông báo này, VKSND tối cao lưu ý các viện kiểm sát địa phương khi thực hiện công tác cần bám sát các cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, "ba xây, ba chống", phòng không sơ tán, kết hợp vận dụng tốt các biện pháp công tác kiểm sát chung và công tố, sớm tổ chức rút kinh nghiệm việc vận dụng đường lối xử lý đối với một số loại tội, nhất là tội trộm cắp và phải có kế hoạch tích cực bồi dưỡng cho cấp huyện về nghiệp vụ điều tra, lập hồ sơ xử lý các vụ án, chú trọng loại án tham ô trong hợp tác xã và loại án mà huyện đang phải giải quyết nhiều, có khó khăn. 

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL