Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về công tác kiểm tra của ngành Kiểm sát; chế độ báo cáo, thống kê trong Ngành cũng như những ý kiến phát biểu định hướng, chỉ đạo quan trọng của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Duẩn đối với ngành Kiểm sát nhân dân.
VKSND tối cao ra Chỉ thị về chế độ kiểm tra trong ngành Kiểm sát
Tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, phải cải tiến chế độ kiểm tra nhằm đảm bảo tăng cường lãnh đạo chính trị và chỉ đạo nghiệp vụ, đưa công tác của ngành đi đúng hướng, đúng đường lối, chính sách và pháp luật, đúng phương châm và phương pháp. Chính vì vậy, ngày 22/9/1965, VKSND tối cao ra Chỉ thị về chế độ kiểm tra trong ngành kiểm sát, đưa công tác kiểm tra thành chế độ và kỷ luật để toàn ngành nghiêm chỉnh chấp hành.
Chỉ thị nêu lên mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, nội dung, đối tượng của công tác kiểm tra, trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, chế độ, phương châm, phương pháp kiểm tra và những việc cần làm sau khi kiểm tra... để các địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra.
Chỉ thị xác định: “Kiểm tra là một trong những phương thức cơ bản của công tác lãnh đạo và chỉ đạo, nó có tác dụng rất quan trọng đối với việc chấp hành và hoàn thành nhiệm vụ. Chế độ kiểm tra cần được các cấp xem trọng và nghiêm chỉnh chấp hành”.
Từ khi thành lập, ngành Kiểm sát đã quy định các chế độ báo cáo, thống kê. Qua mỗi thời kỳ, ngành Kiểm sát đã từng bước cải tiến chế độ báo cáo, thống kê cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ nhằm đáp ứng cả hai mặt lãnh đạo chính trị và chỉ đạo nghiệp vụ. Tại Chỉ thị số 03-VP/TH ngày 18/6/1964, VKSND tối cao đã nhấn mạnh tính chất chính trị của nội dung báo cáo và trách nhiệm của mỗi cấp trong việc thực hiện chế độ báo cáo, thống kê.
Chấp hành Chỉ thị số 03-VP/TH, nhiều nơi đã có những cố gắng nhất định: báo cáo đúng hạn, nội dung báo cáo được cải tiến hơn trước, đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo. VKSND huyện cũng đã có ý thức chấp hành đúng các chế độ báo cáo, thống kê do tỉnh quy định. Những tiến bộ nêu trên đã có tác dụng giúp cấp trên hiểu rõ hơn tình hình và công tác của cấp dưới, trên cơ sở đó mà định hướng nhiệm vụ và đề ra chủ trương, đường lối công tác được sát đúng hơn, đồng thời cải tiến được sự lãnh đạo và chỉ đạo trong công tác.
VKSND tối cao ra Chỉ thị mới về chế độ báo cáo và thống kê
Tuy nhiên, trước tình hình và nhiệm vụ mới, trước sự phát triển của mọi mặt công tác của ngành, chế độ báo cáo, thống kê được quy định trước đây đã không còn phù hợp. Vì vậy, ngày 26/9/1965, VKSND tối cao đã ra Chỉ thị mới về chế độ báo cáo và thống kê nhằm đảm bảo làm tốt chức năng, tăng hiệu suất công tác, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu khách quan của cuộc cách mạng ngày càng chuyển biến nhanh.
Chỉ thị quy định về chế độ báo cáo định kỳ, yêu cầu đối với các loại báo cáo định kỳ; chế độ báo cáo từng vụ việc; chế độ thống kê; thời gian báo cáo. Chỉ thị nêu rõ: Phải đề cao ý thức tổ chức và kỷ luật trong việc làm các loại báo cáo, đảm bảo tinh thần tập thể, đem thảo luận trong Ủy ban Kiểm sát, báo cáo lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí viện trưởng và báo cáo của các bộ phận nghiệp vụ đều do đồng chí viện trưởng thông qua và ký gửi (trừ trường hợp uỷ quyền ký thay). Ở cấp huyện, đồng chí viện trưởng chịu trách nhiệm viết báo cáo và thông qua tập thể trước khi ký gửi.
Do chính sách tăng cường chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới gay go, quyết liệt hơn. Trước tình hình ấy, miền Bắc phải làm tốt hai nhiệm vụ trọng tâm: sản xuất và chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng và không ngừng tăng cường về mọi mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng, đảm bảo cho tiền tuyến mọi thứ cần thiết để đánh thắng giặc Mỹ và tay sai.
Trước tình hình mới, phương hướng và nhiệm vụ chung mà ngành kiểm sát đã nêu trong Nghị quyết số 01/NQ ngày 19/9/1965 về chuyển hướng công tác và tổ chức trong thời chiến vẫn được tiếp tục triển khai trong hoạt động của ngành năm 1967.
Viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết đó với khí thế cách mạng không ngừng vươn lên và tiến công liên tục, ra sức phát huy những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm, tồn tại, vận dụng tốt những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết, làm tốt các mặt công tác kiểm sát, góp phần tích cực hơn nữa vào việc xây dựng, củng cố và bảo vệ hậu phương vững chắc trong thời chiến. Đặc biệt, trong năm 1967, ngành kiểm sát cần quán triệt sâu sắc tinh thần và nội dung cuộc vận động dân chủ do Trung ương Đảng đề ra, quán triệt tư tưởng phòng ngừa trong mọi công tác kiểm sát...
Những nhiệm vụ công tác lớn mà toàn ngành cần nắm vững và làm tốt trong năm 1967 là tăng cường công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng, nhất là bọn gián điệp, bọn phản động lợi dụng Thiên chúa giáo; đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi trộm cắp, tham ô, đầu cơ, thiếu tinh thần trách nhiệm gây lãng phí; coi trọng công tác bảo vệ trị an thời chiến và phục vụ quốc phòng; tích cực phục vụ cuộc vận động dân chủ của Trung ương; đẩy mạnh việc chuyển hướng tổ chức và cải tiến công tác chỉ đạo thực hiện.
Ở VKSND tối cao, cần quy định rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp và chỉ đạo việc phối hợp giữa các vụ, phòng; tăng cường chỉ đạo địa bàn Khu IV cũ và một số tỉnh miền núi; có kế hoạch giúp đỡ một số tỉnh yếu, tăng cường công tác nghiên cứu, tổng hợp, cải tiến tư liệu, hồ sơ, nội san... để phục vụ tốt hơn công tác lãnh đạo và chỉ đạo...
Bài phát biểu định hướng tư tưởng và hành động cho VKSND
Tháng 3/1967, ngành kiểm sát tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát năm 1966. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và phát biểu.
|
|
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát năm 1966 của ngành Kiểm sát nhân dân (tháng 3/1967) (ảnh: TL) |
Đồng chí nêu rõ: “Ngành kiểm sát là một trong những công cụ của Nhà nước dân chủ nhân dân, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân. Nói đến kiểm tra việc tuân theo pháp luật, cần chú trọng trước hết kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, bởi vì sự vi phạm của một số công dân nào đó đối với pháp luật có lẽ không tai hại bằng những sự lạm quyền của các cơ quan chính quyền, các cơ quan quản lý kinh tế, văn hóa và của những người có trách nhiệm thi hành pháp luật. Nếu những người này làm sai pháp luật thì chẳng những vi phạm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, mà còn làm trái chủ trương, chính sách là sinh mạng của Đảng, là linh hồn của pháp luật nhà nước; điều đó sẽ đánh vào nguồn gốc sức mạnh của chế độ ta là sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, trước hết phải bảo đảm sự tôn trọng pháp luật một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ của các cơ quan nhà nước, của những người thay mặt nhân dân nắm quyền hành chính và công việc quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội.
... Chúng ta phải đem tấm lòng ưu ái của người cộng sản đối với những đau khổ của con người, kết hợp với yêu cầu giữ gìn những quy tắc của cuộc sống chung trong xã hội mà xử phạt sao cho công minh, nhằm giáo dục, cải tạo những người phạm pháp trở thành những người lương thiện, nhằm ngăn ngừa những hành động sai trái. Vấn đề không phải chỉ đơn giản là xử một vụ án, trừng phạt một tội phạm nào đó, điều quan trọng là phải tìm mọi cách để làm giảm bớt những hành động phạm pháp và tốt hơn nữa là ngăn ngừa đừng để các việc sai trái xảy ra.
... Muốn tránh những sai sót, tôi cho là trước hết phải xây dựng đảng bộ, chi bộ trong cơ quan tốt, vì Đảng ta là đảng phục vụ nhân dân. Hằng ngày, đảng bộ phải nói cho cán bộ, đảng viên về lý tưởng đạo đức cộng sản, về nghĩa vụ của người đảng viên. Lý tưởng, đạo đức của chúng ta là chống bóc lột, xây dựng xã hội mới, bạo lực chỉ dùng ít thôi, nhưng phải kịp thời nhất và tốt nhất. Người ta sáng ra vì có khoa học và tình cảm cách mạng. Tình cảm cách mạng càng sâu sắc thì càng làm sáng lý lẽ và tri thức của ta hơn. Đó là khoa học xã hội. Chúng ta vô tư hơn, vì nhân dân hơn, vì lý tưởng cộng sản hơn, chúng ta không dung thứ cái oan, không thể làm điều oan cho ai cả; anh làm oan cho một người nào đó thì anh không còn lẽ sống cộng sản nữa bởi vì anh là người cộng sản.
… Công tác của ngành kiểm sát cũng như của ngành công an, tòa án chẳng những đòi hỏi cán bộ phải có lập trường, quan điểm đúng đắn, mà còn đòi hỏi cán bộ phải thông thạo về nghiệp vụ và kỹ thuật. Vì vậy, ngoài việc ra sức phấn đấu nâng cao tư tưởng và phẩm chất chính trị của mình, cán bộ, đảng viên trong các ngành nói trên phải chăm lo học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Trong khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ trong các ngành chuyên môn này phải biết dựa vào quần chúng... nếu tách rời quần chúng nhân dân thì không một ngành chuyên môn nào có thể làm tròn được nhiệm vụ của mình”.
Bài nói trên của đồng chí Lê Duẩn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ định hướng tư tưởng và hành động cho VKSND trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho mà còn bồi dưỡng, nâng cao tình cảm cách mạng của người đảng viên, cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật. Đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ thị kiểm sát viên các cấp phải coi đây là cuốn sách gối đầu giường.
Tháng 7/1967, sau khi nghe trình bày bản báo cáo công tác của ngành kiểm sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo; đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận và biểu dương ngành kiểm sát có nhiều cố gắng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đã đề ra được phương hướng công tác trong thời chiến một cách chính xác, kịp thời, biết tập trung vào việc bảo vệ dân chủ và tài sản xã hội chủ nghĩa, đi đúng đường lối quần chúng trong công tác và đảm bảo cho đường lối được xử lý đúng đắn, phù hợp với đường lối chính sách và pháp luật. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu lên mặt hạn chế của ngành kiểm sát và qua đó nêu rõ tầm quan trọng của công tác công tố để ngành kiểm sát xác định được đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác này.
Đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Không có cơ quan nhà nước nào có thể thay thế ngành kiểm sát để sử dụng quyền công tố. Bắt giam, điều tra, tha, truy tố, xét xử có đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, có đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hay không, điều đó chính là viện kiểm sát phải trông nom, bảo đảm làm tốt”.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đã tổ chức thảo luận, quán triệt trong toàn ngành, làm cơ sở cho việc tổng kết công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong mấy năm qua và định hướng hoạt động cho những năm tiếp theo.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).