Thông qua hoạt động nghiệp vụ kiểm sát, VKSND huyện Bố Trạch nhận thấy thời gian qua, trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra các vụ, việc xâm hại tình dục theo chiều hướng gia tăng về số vụ.
Chỉ tính từ năm 2019 đến tháng 10/2021, trên địa bàn huyện đã xảy ra 10 vụ xâm hại tình dục. Cụ thể: Năm 2019 chỉ khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 1 vụ/1 bị cáo, nhưng đến năm 2020 xảy ra 5 vụ, trong đó đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử 4 vụ/4 bị cáo theo các Điều 142, 145, 146 - BLHS; 1 vụ không khởi tố vì người thực hiện hành vi phạm tội là người chưa thành niên; Năm 2021 đã khởi tố 4 vụ/4 bị can theo các Điều 141, 142, 145, 146 - BLHS.
Địa bàn xảy ra tội phạm ở các xã Đồng Trạch, Hải Phú, Mỹ Trạch, Trung Trạch, Hưng Trạch, Liên Trạch và thị trấn Phong Nha, trong đó xã Đồng Trạch liên tiếp xảy ra 3 vụ, xã Hải Phú xảy ra 2 vụ.
Trong số các vụ án đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử có 1 bị hại dưới 6 tuổi, 5 bị hại dưới 13 tuổi, 3 bị hại dưới 16 tuổi và 1 bị hại trên 18 tuổi. Số bị hại là trẻ em đều đang là học sinh ở các cấp học trên địa bàn huyện, đặc biệt có 1 bị hại là người bị câm, điếc bẩm sinh.
 
Các đối tượng phạm tội đều là người đã trưởng thành, thậm chí là người lớn tuổi, có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, trong đó dưới 30 tuổi có 3 người, từ trên 30 tuổi đến dưới 60 tuổi có 4 người, và từ trên 60 tuổi có 3 người. Điều này cho thấy tội phạm xâm hại tình dục không chỉ giới hạn lứa tuổi thanh, thiếu niên mà nguy cơ mở rộng ở mọi độ tuổi khác nhau trong xã hội.
leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND huyện Bố Trạch lấy lời khai bị can trong một vụ án hình sự. Ảnh VKSQB.
Từ thực tiễn giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đã xảy ra trong thời gian qua, VKSND huyện Bố Trạch nhận thấy một số nguyên nhân của tình hình vi phạm, tội phạm, đó là:
 
Thứ nhất, xuất phát từ ý thức coi thường pháp luật, sự ham muốn dục vọng tầm thường của các đối tượng phạm tội. Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về giới tính và khả năng tự bảo vệ của các bị hại, lợi dụng mối quan hệ quen biết, hàng xóm thân thích và sự thiếu quản lý, giám sát của người lớn để gặp gỡ, tiếp cận và thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác, nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi các luồng văn hóa không lành mạnh trên các trang mạng xã hội, tình trạng sử dụng mạng xã hội như facebock, Tiktok, zalo.v.v. để làm quen rồi nảy sinh tình cảm nam-nữ “có chủ ý”, việc sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu, bia dẫn đến thiếu tự chủ, mất kiểm soát, từ đó thực hiện các hành vi lệch lạc thiếu chuẩn mực đạo đức cũng là những nguyên nhân của tội phạm.
 
Thứ hai, bản thân nhiều bị hại còn thiếu hiểu biết, chưa nhận thức rõ tác hại đối với hành vi phạm tội của các đối tượng hoặc vì sợ dư luận, cả nể, thiếu tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm dẫn đến bị người phạm tội lợi dụng, khai thác việc xâm hại tình dục nhiều lần với các mức độ khác nhau.
 
Thứ ba, đối với gia đình, trong đó phải nói đến vai trò của cha, mẹ còn thiếu kiến thức về kỹ năng phòng ngừa và kỹ năng giải quyết về pháp lý, kỹ năng chăm sóc về thể chất, tâm lý cho con em mình, dẫn đến không có biện pháp chăm sóc, phòng ngừa từ xa trước những mặt trái của xã hội.
 
Thứ tư, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý giáo dục thanh, thiếu niên còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Công tác truyền thông về xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là vấn đề giáo dục giới tính, giáo dục các em biết tự bảo vệ mình của nhà trường và các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn huyện còn chưa được liên tục, thường xuyên, chưa bao phủ được hết các địa bàn, các nhóm đối tượng, dẫn tới hiệu quả giáo dục, tuyên truyền chưa cao.
 
Trước thực trạng trên, để góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục nói chung và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn huyện, VKSND huyện Bố Trạch đã ban hành kiến nghị phòng ngừa, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo các Cơ quan, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phối hợp triển khai thực hiện tốt một số giải pháp nhằm phòng ngừa và hạn chế các loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.Đó là:
- UBND các xã, thị trấn trên địa bàn cần phối hợp với các đơn vị liên quan tại địa phương quán triệt và thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời rà soát các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trẻ em sống lang thang cơ nhỡ để có biện pháp bảo vệ kịp thời; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các gia đình quan tâm hơn nữa trong quản lý, chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em, không để các đối tượng xấu lợi dụng.
- UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa, Hội phụ nữ, tổ chức Đoàn, Trung tâm thông tin - truyền thông chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức cảnh giác trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó có loại tội phạm về xâm hại tình dục.
- Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bố Trạch chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức giới tính, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh; Có kế hoạch, biện pháp lồng ghép, tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa để tuyên truyền về kiến thức sức khỏe sinh sản cho học sinh, hướng dẫn các em học sinh khai thác, sử dụng mạng Internet, mạng xã hội an toàn, lành mạnh. Đồng thời thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để biết nhằm tự ứng phó và tự phòng ngừa, chống lại các hành vi dụ dỗ, lôi kéo nhằm mục đích xâm hại tình dục của các đối tượng.
- Cơ quan Công an huyện Bố Trạch chỉ đạo các đội nghiệp vụ và lực lượng Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác sưu tra, quản lý chặt chẽ các đối tượng đã có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên có biểu hiện tiêu cực, nghiện hút…trên địa bàn có nguy cơ phạm tội xâm hại tình dục. Đồng thời có các biện pháp theo dõi, nắm tình hình, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm để có biện pháp đấu tranh, xử lý nhằm đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm, tội phạm xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.
 
P.V