Trong thời gian vừa qua, thông qua các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, VKSND TP Đà Lạt đã quan tâm, chú trọng, tăng cường công tác kiến nghị đối với các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp và kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án về việc thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự trong lĩnh vực hụi, VKSND TP Đà Lạt nhận thấy có các vi phạm trong tranh chấp dân sự họ, hụi, biêu, phường. Từ đó, VKSND TP Đà Lạt đã ban hành kiến nghị số 15/KN-VKS gửi đến Chủ tịch UBND TP Đà Lạt nhằm phòng ngừa vi phạm trong tranh chấp dân sự lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
VKSND TP Đà Lạt kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong tranh chấp dân sự họ, hụi, biêu, phường. (Ảnh minh họa) 

Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 đã sửa đổi, bổ sung cơ bản về chế định hợp đồng vay tài sản so với BLDS năm 2005, từ đó một số quy định tại Nghị định 144/2006/NĐ-CP đã không còn phù hợp với Bộ luật Dân sự hiện hành. Đồng thời, trải qua thời gian thi hành, Nghị định 144/2006/NĐ-CP cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, như quy định về người tham gia hụi, hình thức thỏa thuận hụi, cơ chế tự kiểm soát của những người tham gia hụi...

Ngày 19/02/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 144/2006/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2019. Nghị định lần này có nhiều điểm mới, khắc phục được những hạn chế, đặc biệt siết chặt hơn nữa việc quản lý nhà nước đối với việc tổ chức hụi trong dân cư.

Từ năm 2020 đến nay, TAND TP Đà Lạt đã thụ lý, giải quyết 56 vụ việc liên quan đến tranh chấp hợp đồng góp hụi. Thực trạng cho thấy, việc chơi hụi phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và có nhiều trường hợp tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...Hầu hết hình thức thỏa thuận về dây hụi là bằng lời nói hoặc giao kết bằng văn bản viết tay, không có xác nhận của hụi viên hay chính quyền địa phương. Thông thường, chủ hụi sẽ lập và giữ sổ hụi, nên khi có tranh chấp xảy ra mà không có lợi cho chủ hụi thì chủ hụi sẽ không giao nộp cho Tòa án hoặc thậm chí có thể tiêu hủy sổ hụi, còn hụi viên chỉ biết đóng tiền cho chủ hụi mà không được giữ bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến dây hụi mà mình tham gia.

Thực tế này đã làm cho việc xác minh, đánh giá chứng cứ của các cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án vô cùng phức tạp, không đúng với bản chất thực của giao dịch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hụi viên. Thời gian qua, việc vỡ hụi đã xảy ra ở nhiều nơi, phát sinh nhiều vụ kiện về dân sự gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự trị an xã hội ở địa phương.

Qua kết quả xác minh tình hình việc tổ chức hụi hiện nay ở một số phường thuộc TP Đà Lạt cho thấy, hầu hết các chủ hụi thuộc trường hợp phải thông báo bằng văn bản cho UBND xã, phường nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 19/2019/NĐ-CP. Vai trò quản lý nhà nước ở lĩnh vực này chưa được chú ý thực hiện, đặc biệt là việc tiếp thu và thực hiện Nghị định 19/2019/NĐ-CP ở UBND cấp xã, phường và trong quần chúng nhân dân còn rất hạn chế.

Nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hụi xảy ra tại địa phương, VKSND TP Đà Lạt đã kiến nghị UBND TP Đà Lạt thực hiện những nội dung như: Bằng các hình thức phù hợp, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định 19/2019/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan cho UBND các xã, phường, quần chúng nhân dân trên địa bàn TP Đà Lạt. Kiến nghị UBND TP Đà Lạt chỉ đạo UBND xã, phường tổ chức tiếp nhận, thống kê thông tin về huê, hụi phát sinh trên địa bàn, kịp thời phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hụi đến cơ quan Công an có thẩm quyền.

leftcenterrightdel
Cán bộ, công chức VKSND huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng trao đổi công tác. Ảnh minh hoạ

Thông qua việc ban hành kiến nghị nêu trên, VKSND TP Đà Lạt rút ra một số vấn đề cần quan tâm như, khi ban hành kiến nghị cần nêu cụ thể vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý và các căn cứ để xác định. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan các biện pháp thiết thực nhằm chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả vi phạm, thiếu sót, sơ hở, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Việc ban hành kiến nghị phải được thực hiện kịp thời; theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kiến nghị. Chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội và dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang diễn ra. Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của VKSND cấp trên và cấp ủy địa phương, phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan và các đơn vị trong ngành.

Ngoài các giải pháp cơ bản nêu trên, trong quá trình tổng hợp, xác định nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật để kiến nghị cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa, xác định cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa từ lãnh đạo đơn vị đến từng cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ. Tích cực phát huy trách nhiệm, đổi mới phương pháp tư duy và tác phong, lề lối làm việc.

Một số thuật ngữ trong chơi hụi:

Dây hụi: Một hệ thống gồm nhiều người tham gia chơi hụi. Chủ hụi: Người đứng ra tổ chức chơi hụi, kêu gọi các thành viên khác tham gia và chịu trách nhiệm thu tiền của các thành viên. Con hụi: Những người tham gia đóng hụi trong một dây hụi. Trong một dây hụi, không giới hạn số thành viên tham gia. Đóng hụi: Mỗi tháng con hụi sẽ phải nộp một khoản tiền nhất định theo quy định. Hốt hụi: Chỉ việc một con hụi nhận được số tiền sau khi đóng hụi (có người nhận trước, có người nhận sau tùy theo nhu cầu với khoản vay).

Bể hụi: Một trong những con hụi không chịu đóng hụi hoặc rút khỏi dây hụi khiến những người chơi khác chịu ảnh hưởng xấu. Giật hụi: Trường hợp chủ hụi lừa đảo, con hụi đến thời gian hốt hụi nhưng không tìm được chủ hụi. Hụi chết: Là con hụi đã hốt trước và đang trả lãi cho những kỳ sau. Hụi sống: Là con hụi chưa hốt hụi, đang nhận tiền lãi từ người hốt hụi trước.

Trần Thị Ngọc Hiền – VKSND TP Đà Lạt