Nội dung vụ án

Nội dung vụ án thể hiện, tại khởi kiện của ông Phan Thế Sắn (trú tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 1981, bố của ông là cụ Phan Thế Nụ (đã mất) cho Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Sơn và Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Sơn mượn đất để xây dựng công trình phúc lợi (nhà mẫu giáo và nhà máy xay xát). Tuy nhiên, việc mượn đất không lập thành văn bản nhưng những người trong ban mượn đất của Hợp tác xã còn sống đều thừa nhận có sự việc mượn đất này và nguồn gốc đất mượn là của cụ Nụ.

Cuối năm 1985, Hợp tác xã Hợp Sơn bàn giao lại cho Hợp tác xã Thủ công nghiệp Sơn Quang tiếp tục sử dụng. Trước khi giải thể năm 1995 thì năm 1993, Hợp tác xã Thủ công nghiệp Sơn Quang bán thanh lý phần tài sản trên đất mượn của cụ Nụ là 4 gian nhà cấp 4 cho ông Hà Văn Vinh (bố của bà Hà Thị Lai) vật liệu rui mè, cửa sổ… với giá 900 nghìn đồng. Sau khi ông Vinh mất, bà Lai tiếp tục sử dụng và cho thuê đến hiện nay.

Theo hồ sơ địa chính 229, thửa đất tranh chấp là thửa số 206, tờ bản đồ số 01, diện tích 105m2, chủ sử dụng mang tên Hợp tác xã Hợp Sơn. Hồ sơ địa chính 382 lập năm 1995 là thửa 144, tờ bản đồ số 15, diện tích 829m2, chủ sử dụng ghi chú thích: Khu đất đang tranh chấp.  

Đến năm 2010, trong sổ mục kê ruộng đất ghi nhận phần đất tranh chấp là thửa số 77, tờ bản đồ số 45, tên chủ sử dụng là Hà Văn Vinh, diện tích 66,3m2, sau khi ông Vinh mất thì bà Lai tiếp tục sử dụng đất và nhà cho đến nay. Cho rằng nguồn gốc đất trên là của gia đình mình, nên ông Sắn đã làm đơn khởi kiện đề nghị TAND thành phố Sầm Sơn giải quyết buộc bà Lai phải tháo dỡ tài sản trên đất, trả lại quyền sử dụng 66,3m2, thuộc thửa số 77, tờ bản đồ số 45 tại khu phố Bắc Nam, phường Trường Sơn, thành phố Bắc Sơn cho gia đình ông.

leftcenterrightdel
 Khu đất tranh chấp được đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án.

Trong khi đó, theo bà Hà Thị Lai (bị đơn trong vụ án), năm 1993, bố bà có mua lại của Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Sơn 4 gian nhà cấp 4 đã hỏng và được quyền sử dụng 68m2 đất, khi mua có giấy tờ mua bán. Trên bản đồ địa chính năm 2010, bố bà là ông Hà Văn Vinh đã được ghi nhận là chủ sử dụng thửa đất số 77, tờ số 45, diện tích 66,3m2, loại đất ở đô thị. Quá trình sử dụng, gia đình bà nhiều lần sửa chữa, hàng năm vẫn nộp thuế đất cho Nhà nước theo quy định nên việc ông Sắn khởi kiện đòi đất, bà không đồng ý.

Ngày 1/7/2021, TAND thành phố Sầm Sơn đã đưa vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất ra xét xử và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định diện tích đất tranh chấp là của gia đình nguyên đơn. Buộc bà Lai, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Hà Thị Xuân phải giao lại diện tích đất tranh chấp 52,3m2, tại thửa 206, tờ bản đồ số 01, hồ sơ địa chính 229 đo năm 1984 (nay là thửa số 77, tờ bản đồ số 45, hồ sơ địa chính 2010) tại khu phố Bắc Nam cho ông Sắn. Không đồng ý với phán quyết trên, bị đơn trong vụ án đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 1/7/2021.

Viện kiểm sát đề nghị đình chỉ giải quyết vụ án

Đáng chú ý, trong vụ án trên, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND phường Trường Sơn, thành phố Thanh Hoá cho rằng, theo hồ sơ địa chính 229 thì thửa đất của gia đình cụ Nụ là thửa số 204, tờ bản đồ số 01, diện tích 640m2 đứng tên ông Sắn, còn thửa đất tranh chấp là thửa 206, tờ bản đồ số 01, diện tích 105m2 đứng tên Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Sơn.

Hiện ông Sắn khởi kiện đòi diện tích tại thửa 206, tờ bản đồ số 01 hồ sơ 299 là không có căn cứ vì gia đình ông Sắn không có giấy tờ nào đứng tên trong sổ sách, mặt khác theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật đất đai năm 2013 thì Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Cũng tại phiên toà sơ thẩm, đại diện VKSND thành phố Sầm Sơn tham gia phiên tòa đã phát biểu ý kiến về quan điểm giải quyết vụ án. Theo đại diện Viện kiểm sát, ngày 16/7/2013, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã ban hành Quyết định số 1458 giải quyết khiếu nại lần đầu của nguyên đơn là ông Phan Thế Sắn với nội dung không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất của ông Sắn. Ông Sắn có đơn khiếu nại nên ngày 18/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 719 giải quyết khiếu nại lần 2, giữ nguyên Quyết định 1458.

Theo Viện kiểm sát, cả hai quyết định được đề cập trong hồ sơ vụ án, việc ông Sắn kiện đòi lại đất đã được giải quyết bằng quyết định hành chính, có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 192, Điểm g, Khoản 1, Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2012 đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn.

Trong vụ án trên, theo quan điểm của một số chuyên gia pháp lý, khiếu kiện của nguyên đơn đã được giải quyết bằng quyết định của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, quyết định này đang có hiệu lực pháp luật với nội dung xác định quyền sử dụng đất thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước. Do đó, nếu việc bị đơn sử dụng đất chưa được Nhà nước công nhận thì chỉ có cơ quan quản lý hành chính nhà nước về đất đai mới có quyền yêu cầu phía bị đơn hoàn trả lại đất cho Nhà nước nếu việc sử dụng đất không thuộc trường hợp được Nhà nước công nhận. 

Tuy nhiên, ở vụ án trên, cùng một nội dung tranh chấp nhưng hiện đang tồn tại 2 kết quả giải quyết mâu thuẫn nhau, điều này không chỉ gây ra sự chồng chéo về kết quả giải quyết vụ việc giữa cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tố tụng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý đất đai của cơ quan hành chính nhà nước, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và công dân.

Thiết nghĩ, cấp phúc thẩm tới đây cần xem xét toàn diện các nội dung của vụ án để có phán quyết khách quan, hợp lý, theo đúng quy định của pháp luật.

P.V