Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Bên cạnh những ưu điểm đạt được, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm cũng đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập.

Theo đó, một số các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan như: Các quy định về đăng ký và quản lý lao động, về độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ Luật Lao động 2019; quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2014; quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. 

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đang trong quá trình sửa đổi, đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trong đó có một số nội dung liên quan về BHTN cần sửa đổi trong Luật Việc làm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Cùng với đó, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, một số quy định của Luật Việc làm năm 2013 chưa bảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (TTXVN)

Cũng theo cơ quan chủ trì, việc xây dựng Luật nhằm hướng đến mục tiêu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Về bố cục, trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật giữ nguyên các nội dung gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Dịch vụ việc làm (đổi tên); Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm; Hệ thống thông tin thị trường lao động (đổi tên); bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên thành “Phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”; bổ sung nội dung “Đăng ký lao động”.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 8 chương và 145 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều).

Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo Luật, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; thể chế hóa các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW; bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15. 

Đồng thời tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm; rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013; rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm để đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản.

Đối với nguyên tắc về việc làm, dự thảo Luật nêu rõ các nguyên tắc gồm: Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc; bình đẳng về cơ hội việc làm, điều kiện làm việc, tiền lương và thu nhập; bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động; bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo nhiều việc làm và giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương trên thị trường lao động.
P.V