Bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM đã thông tin về thị trường lao động TP HCM sau hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo bà Hằng, bức tranh thị trường lao động tại TP HCM trong nửa đầu năm 2025 có nhiều điểm sáng. Cụ thể, TP HCM ghi nhận 96.795 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm đến 20,65% (tương đương 25.205 người) so với cùng kỳ năm 2024.

Các Trung tâm Dịch vụ việc làm dự báo trong quý III/2025, các doanh nghiệp sẽ cần tuyển khoảng 85.000 - 90.000 lao động. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là cơ cấu lao động vẫn còn chênh lệch, khi có đến 58% nhu cầu là lao động phổ thông, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, lắp ráp giản đơn.

leftcenterrightdel
 Trong quý III/2025, các doanh nghiệp ở TP HCM cần tuyển khoảng 85.000 - 90.000 lao động. (Ảnh: Xuân Trường).

Cũng theo bà Hằng, sự gia nhập của lực lượng lao động từ các khu vực mới sáp nhập đã tạo ra nguồn nhân lực dồi dào nhưng cũng có thể dẫn đến sự mất cân bằng tạm thời về kỹ năng. Quá trình chuyển tiếp này đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ hơn để kỹ năng của người lao động bắt kịp yêu cầu mới từ thị trường.

Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Sở Nội vụ đã và đang tham mưu UBND TP HCM triển khai hàng loạt giải pháp nhằm kết nối cung - cầu và ổn định thị trường.

Đồng thời, Sở cũng mở rộng liên kết với các địa phương khác, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và các chương trình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhằm đa dạng hóa cơ hội việc làm cho người dân.

Theo đại diện Sở Nội vụ, đối với lực lượng nhân sự dôi dư, nghỉ việc sau khi sắp xếp bộ máy, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 3232/QĐ-UBND ngày 27/6/2025 về phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề gắn với chuyển đổi nghề nghiệp; giới thiệu việc làm; hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.

Xuân Trường